Hơn 10 năm trước, hồ Bản Mủng ở xã Tân Dương, huyện Bảo Yên bị lũ tràn đập, hơn 40 ha lúa của bà con quanh vùng mất trắng. Những ngày qua mưa lớn, người dân xã Tân Dương không khỏi lo lắng khi lúa sắp bước vào vụ đứng cái làm đòng.
Chị Hoàng Thị Tiền, ở Bản Mủng, xã Tân Dương cho biết: Lòng hồ bồi lắng, bình thường nước ít không đủ tưới, nhưng chỉ mưa hơi to nước đã tràn qua đập. Trước đây đập thấp, đợt cơn bão số 4 lúa đi hết, bọn em tự làm đập đắp chuyển cao lên. Bây giờ nước về, bậc thang hỏng hết nước tràn ngập khắp nơi, bọn em vẫn đắp nhưng không được.
Hồ Bản Mủng chỉ là một trong số 69/107 hồ xuống cấp, hư hỏng ở tỉnh Lào Cai nhưng chưa được sửa chữa. Các hồ này được đắp bằng đất từ lâu, nên mái đập đã bị xói lở, nước thấm qua thân đập, cống van thoát nước hư hỏng..
Ông Hoàng Đình Kiểu, Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, cho biết, hiện tại kinh phí bảo dưỡng hàng năm chưa được đưa vào danh mục để sửa chữa. Xã cũng chỉ biết lấy kinh phí mỗi năm 2 triệu đồng để bảo vệ hồ.
Kênh thoát lũ hồ Bản Mủng hư hỏng
Hồ thủy lợi Khuổi Lếch ở xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên được xây dựng từ năm 1963. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, hệ thống đập thường xuyên thấm nước, lòng hồ bị bồi lắng, hệ thống cống van tháo nước hư hỏng. Hồ không tích đủ nước, nên những chân ruộng xa thường xuyên bị thiếu nước sản xuất. Nếu gặp mưa lớn, lũ về tràn đập nguy cơ mất trắng hàng chục ha lúa là điều khó tránh khỏi. Do không có kinh phí sửa chữa, hồ được giao cho người dân thầu thả cá để lấy kinh phí sửa chữa, nhưng tiền thu được từ giao thầu cũng chẳng thấm vào đâu.
Ông Hoàng Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, chia sẻ, sửa chữa bảo đảm tưới tiêu rất khó khăn, địa phương không có nguồn mà kinh phí sửa chữa hồ là rất lớn. Mong các cấp, các kình cấp kinh phí sửa chữa hồ để đảm bảo nước tưới.
Hiện nay, 107 hồ, đập thủy lợi ở tỉnh Lào Cai mực nước chỉ đạt từ 40 đến 60% dung tích thiết kế, do hầu hết các hồ đều đã xuống cấp, bị rò rỉ tiêu hao nước. Từ năm 2019 đến nay, Lào Cai được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới để sửa chữa, nâng cấp 14 hồ. Đến thời điểm này, đã có 6 hồ hoàn thành việc sửa chữa, 8 hồ còn lại đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai vẫn còn 48 hồ, đập cần sửa chữa. Trước mắt, Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai đề xuất các địa phương tổ chức quản lý, khai thác chủ động hạ thấp mực nước hồ, khơi thông đường tràn xả lũ đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai, cho biết: Công tác quản lý hồ đập tại Lào Cai còn vướng với Luật Thủy lợi. Theo quy định của Luật Thủy lợi hồ chứa lớn phải có công ty quản lý khai thác. Lào Cai là một trong số ít địa phương không có công ty quản lý khai thác. Chủ thể quản lý theo Luật Thủy lợi đang cứng nhắc ở chỗ chỉ giao cá nhân, tổ thủy nông cơ sở hoặc doanh nghiệp quản lý.
Lào Cai không có công ty nhưng có hệ thống đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như Trung tâm nước sạch môi trường, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện có thể đáp ứng trong lĩnh vực này, nhưng Luật Thủy lợi không có quy định đơn vị quản lý là đơn vị sự nghiệp, nên Lào Cai bị mắc trong quá trình triển khai.
Hệ thống hồ, đập thủy lợi của tỉnh Lào Cai cơ bản có dung tích nhỏ đã được xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn hồ đập. Mùa mưa bão đến gần, trong khi chưa có kinh phí sửa chữa, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động gia cố, sửa chữa nhỏ, có phương án ứng phó nhằm đảm an toàn tính mạng người dân và bảo vệ sản xuất.
Mạnh Phương/VOV1
Viết bình luận