Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15- Câu chuyện hậu trường
Thứ hai, 16:51, 01/08/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Cho đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị cho Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 đã hoàn tất và sẵn sàng cho giờ khai mạc vào ngày 2/8/2022.

 

Ngay từ những ngày đầu tiên đảm nhận đăng cai Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, TP.HCM đã có kế hoạch bài bản, chi tiết và khoa học. Ban Thư ký Biên tập (Đài TNVN) - đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ chuẩn bị và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đều có sự bàn bạc đi đến thống nhất từng công việc của mỗi đơn vị.

Cũng là đơn vị của Đài TNVN được giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị cho liên hoan, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình (Đài TNVN), từ cuối năm 2020, kế hoạch cơ bản đã được xây dựng nhằm chuẩn bị đầy đủ các phương án kỹ thuật cho Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15.

Cái khó trong khâu chuẩn bị

Để sẵn sàng cho Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15, các cán bộ nhân viên  Ban Thư ký biên tập (Đài TNVN), đã khởi động công tác chuẩn bị từ cách đây 6 tháng. So với các kỳ liên hoan phát thanh trước đây, cái khó khăn nhất của kỳ liên hoan năm nay là khâu chuẩn bị được triển khai trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Do vậy, từ thu bài đến chấm sơ khảo đều được thực hiện online qua Cổng tiếp nhận tin bài của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ truyền thông của Đài TNVN (R&D). Với cổng R&D, các nhà báo tại các Đài địa phương có thể gửi file âm thanh và hồ sơ của tác phẩm online, cùng với đó các tác giả vẫn gửi bản cứng của tác phẩm có xác nhận của đơn vị. 

“Việc tổ chức vòng sơ khảo đã gặp một chút khó khăn. Nếu không có dịch COVID-19, vòng sơ khảo sẽ tổ chức ở các địa phương theo từng khu vực, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch, chúng tôi tổ chức vòng sơ khảo online. Việc chấm online có thuận lợi và cả khó khăn. Trong đó, khó khăn là sự tương tác và trao đổi giữa các giám khảo với nhau có thể có hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tạo ra những phòng thảo luận mở, để tất cả các giám khảo có thể chia sẻ được quan điểm, đánh giá và đi đến thống nhất điểm số cuối cùng của tác phẩm. Bên cạnh đó, việc chấm sơ khảo online cũng làm mất đi sự tương tác giữa giám khảo và các tác giả. Nếu như có thể tương tác thì người có tác phẩm dự thi và người chấm giải có thể trao đổi trực tiếp ý kiến đánh giá”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ.


Ông Đồng Mạnh Hùng cũng cho biết, với Ban Thư ký biên tập, khâu chuẩn bị quan trọng nhất là thành lập được Ban giám khảo và danh sách các tác phẩm tác giả sẽ dự liên hoan: “Chúng tôi tạo điều kiện hết sức để anh chị em có tác phẩm vào vòng chung khảo có thể đến TP.HCM tham dự liên hoan”.

Liên hoan năm nay sẽ có hạng mục giải thưởng cho các tác phẩm Câu chuyện truyền thanh, với khoảng 40 tác phẩm của các Đài địa phương dự thi và dự kiến sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Đây cũng là một nét mới trong liên hoan phát thanh lần này. Đặc biệt, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM sẽ tổ chức một hội thảo về tổ chức sản xuất các chương trình giải trí trên sóng phát thanh.

“Lãnh đạo TP.HCM đã thể hiện một quyết tâm rất lớn khi vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với tinh thần và mong muốn giới thiệu một thành phố có đầy đủ sức mạnh để phục hồi sau dịch COVID-19 của đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM cũng muốn thể hiện tình cảm ấm áp của thành phố mang tên Bác với anh chị em làm phát thanh. Lãnh đạo TP.HCM, Sở Thông tin Truyền thông và Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã rất nhiệt tình và tạo mọi điều kiện cho kỳ liên hoan phát thanh năm nay”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Trong khoảng nửa tháng trước Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Điều phối chương trình, Ban Thư ký biên tập - Tổ trưởng Tổ thư ký của Ban Tổ chức, cùng các đồng nghiệp liên tiếp có chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM để gấp rút hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng.

“Chúng tôi đã phải hoàn thành khối lượng công việc lớn từ khảo sát các địa điểm chấm thi, khu vực tổ chức thi phát thanh trực tiếp... lên ý tưởng thiết kế khu vực thi trực tiếp và phối hợp với đội ngũ kỹ thuật để chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để giúp các chương trình dự thi, các Đài dự thi phô diễn được hết kỹ năng, kỹ thuật phát thanh của mình”, ông Hải cho biết. 

Đến nay, mọi khâu chuẩn bị cho Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 đã hoàn tất và sẵn sàng cho “giờ khai mạc”.

Chuẩn bị kỹ thuật tốt trong mọi tình huống

Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, tất cả các Đài đều tham gia dự thi ứng dụng nền tảng số, cho thấy thách thức từ mạng xã hội đã được biến thành “công cụ” để sử và phát huy hiệu quả phục vụ cho làn sóng phát thanh.

Đặc biệt, với các tác phẩm dự thi Chương trình trực tiếp vừa phát trực tiếp trên sóng phát thanh đồng thời ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để livestream trên fanpage và các nền tảng khác là Youtube hay Tik Tok... Phần thi này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật và đặt ra thách thức cho đội ngũ kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị.

Đội ngũ kỹ thuật đã chuẩn bị phương án kỹ thuật tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của các Đài dự thi

Bà Dương Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình (Đài TNVN) cho biết, đến thời điểm này, Trung tâm và các đơn vị liên quan đã và đang chuẩn bị đúng tiến độ và đạt  các yêu cầu của Ban Tổ chức.

Theo bà Hằng, số lượng các đơn vị tham gia đăng ký dự thi các chương trình phát thanh trực tiếp và trực tuyến năm nay nhiều hơn các kỳ liên hoan trước, vì vậy Trung tâm phải chuẩn bị tối đa nhất về phương án kỹ thuật, nhân sự thực hiện và hệ thống các thiết bị phát thanh đa phương tiện chuyên dụng để phục vụ nội dung thi phát thanh trực tiếp, trực tuyến cho các đoàn.

Hội đồng thi phát thanh trực tiếp là “điểm hẹn” trong mỗi kỳ liên hoan. Do vậy, đội ngũ kỹ thuật đã chuẩn bị phương án kỹ thuật tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của các Đài dự thi.

“Trung tâm sẽ bố trí kỹ thuật viên điều khiển hệ thống thiết bị phục vụ các chương trình thi phát thanh trực tiếp và trực tuyến. Riêng đối với các đoàn tự vận hành thiết bị kỹ thuật, Trung tâm sẽ hướng dẫn chi tiết cấu hình, cách thức vận hành để các đoàn có thể chủ động khai thác hệ thống sản xuất chương trình dự thi. Các chương trình phát thanh trực tiếp sẽ được mã hóa và truyền qua mạng internet, đường truyền điện thoại về trung tâm truyền dẫn phát sóng của các Đài, tùy theo cơ sở hạ tầng của các đơn vị mà Trung tâm sẽ cung cấp các thiết bị và phương tiện truyền dẫn phù hợp để đảm bảo chất lượng tín hiệu các chương trình phát thanh theo đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Trung tâm luôn bố trí nhân sự trực ngoài giờ và thử kỹ thuật cho các đoàn”, bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, kỳ liên hoan năm nay, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình tiếp tục ứng dụng công nghệ AoIP trong việc sản xuất và truyền dẫn các chương trình phát thanh trực tiếp trên các kênh sóng phát thanh và thực hiện sản xuất các chương trình trực tuyến trên các mạng xã hội Facebook, Youtube…

Trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội đang lấn át mọi thể loại truyền thông truyền thống, phát thanh đang đối mặt với thách thức rất lớn. Tuy nhiên, phát thanh vẫn tồn tại một cách vững vàng, bởi phát thanh cũng có thế mạnh và có đối tượng công chúng riêng, không có loại hình báo chí nào có thể thay thế được.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lấn thứ 15 hứa hẹn là ngày hội của người làm báo nói, qua đó khuyến khích phát triển phát thanh của các Đài theo hướng ứng dụng được nền tảng số. Đây là xu thế tất yếu của phát thanh hiện nay./.

 

Hoàng Lê/VOV.vn

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC