Một vài kinh nghiệm ứng phó với bão số 4
Thứ năm, 10:17, 29/09/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Bão số 4 là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung trong mùa mưa bão năm nay. Một vài bài học kinh nghiệm được đúc kết lại để các địa phương ứng phó tốt hơn với những cơn bão tiếp theo.

 

Chủ động ứng phó với bão số 4, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Quảng Nam đã sơ tán hơn 45 nghìn hộ dân với hơn 155.000 nhân khẩu, trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ. Đây là đợt sơ tán tập trung tránh trú bão có số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, ban đầu các thành viên trong gia đình rất ngại đi sơ tán tập trung vì bất tiện nhưng được Chính quyền địa phương vận động, ông Tuấn động viên cả nhà cùng đi tránh trú bão. Ông đã khuyên mẹ đi sơ tán vì được nhà nước quan tâm bố trí chỗ lưu trú, căn nhà cấp 4 của gia đình không thể an toàn trong mưa bão.

Tại các tỉnh ven biển miền Trung, nhà cửa người dân chưa được xây kiên cố. Trong khi đó, lượng người sơ tán rất đông nên ngoài các trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, các tỉnh vận động bà con sơ tán xen ghép từ nhà yếu sang nhà kiên cố. Ngoài ra, các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn trên địa bàn đã tình nguyện mở cửa đón người dân đến tránh trú bão miễn phí. Khu nghỉ dưỡng Hoiana đã chuẩn bị 100 phòng, đảm bảo cho 400 người dân những xã ven biển các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên đến lưu trú. Không chỉ riêng đợt tránh trú bão số 4 vừa qua mà những tình huống thiên tai cấp bách, doanh nghiệp này cũng chuẩn bị đầy đủ số phòng và lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân yên tâm trú tránh bão.

Tại cuộc họp trực tuyến sáng 28/9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 4 về công tác khắc phục hậu quả sau bão, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cả xã hội đã vào cuộc đồng bộ, khẩn trương với quyết tâm cao nhất vượt qua bão số 4.

Theo ông Đặng Văn Minh, kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phải thực chất, không hình thức và phải có kiểm tra, giám sát. Việc sơ tán người dân không nhất thiết tập trung về ở trong các công trình công cộng. Bởi hiện nay nhà dân kiên cố nhiều hơn trước, nên tỉnh ưu tiên sơ tán xen ghép. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đồng hành với chính quyền địa phương giúp đỡ người dân. Tại các nơi neo đậu tàu thuyền, tỉnh giao lực lượng Biên phòng và dân quân tự vệ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của ngư dân, đưa toàn bộ ngư dân lên bờ.

Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi là khi chuẩn bị các kịch bản ứng phó với mưa bão, tỉnh xây dựng phương án sơ tán dân vùng nguy cơ sạt lở đất về nơi an toàn. Người dân ở nơi trũng thấp cũng sẽ được di dời đến nơi cao ráo trước khi lũ lụt ập đến.

Còn ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã xây dựng các hợp đồng rất cụ thể với các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Ví dụ như lực lượng vũ trang địa phương, Quân khu 5 đóng chân trên địa bàn hỗ trợ địa phương như thế nào? Ai ở đâu, thực hiện việc gì, phương tiện, nhân lực ra sao… tất cả đều nêu rõ trong hợp đồng tác chiến. Vì thế, khi có công điện ứng phó với bão thì tỉnh triển khai theo hợp đồng này.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh cũng đã làm việc với Cục đường bộ 3, Bộ Giao thông - Vận tải, phối hợp với lực lượng giao thông của địa phương, doanh nghiệp,… bố trí lực lượng ứng trực sẵn ở những địa bàn có nguy bị sạt lở, chia cắt. Khi xảy ra sự cố, các lực lượng này theo kế hoạch phối hợp đảm bảo giao thông sẽ rất thuận lợi.

Tỉnh Quảng Nam đặc biệt coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân bằng mọi hình thức khác nhau và bằng tất cả các loại hình phương tiện. Người dân nắm bắt rất kịp thời, không để xảy ra tình trạng chủ quan. Chính vì thế, người dân hoàn toàn nắm được diễn biến, tình hình của cơn bão cũng như tinh thần chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương.

Tỉnh cũng theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, khi có những cơn bão mạnh thì phải kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Những tàu nào có khả năng vào được là yêu cầu vào ngay. Dựa trên thiết bị giám sát hành trình, địa phương biết được các tàu đó đang nằm ở đâu. Còn những tàu có thể chạy xuống những vị trí khác để tránh bão an toàn thì phải vận động họ khẩn trương thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khi xuất hiện bão trên biển là có luồng cá di chuyển, do đó các tàu chạy ra khỏi những nơi không an toàn với tốc độ chậm để tìm cách đánh cá. Việc này cũng phải nghiên cứu có một chế tài nào đó để xử lý những trường hợp như vậy.

Tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều công trình thủy điện. UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ hồ thủy điện với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Do đó, trong quá trình thực hiện đạt được sự thống nhất vận hành rất cao ngay từ trước, trong và sau bão lũ. Cách làm này mang lại hiệu quả vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa không gây thiệt hại cho vùng hạ du về tính mạng, tài sản của người dân. Qua cơn bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, cần phải nghiên cứu tìm ra những nội dung, kinh nghiệm quan trọng để phổ biến và nhân rộng bài học kinh nghiệm cho tất cả các địa phương trong vùng.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, gần đây, ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam bị động đất. Tình trạng sạt lở đất ở khu vực miền núi, đặc biệt là khu vực có độ dốc cao, trượt dốc như tỉnh Quảng Nam và các khu vực Trung Trung bộ,  rất cần sự tham gia của các nhà khoa học để nghiên cứu các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể giúp cảnh báo sớm và giúp đỡ cho chính quyền địa phương trong việc di dời và sơ tán dân một cách chủ động.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng kinh nghiệm lớn nhất khi ứng phó với bão số 4 là chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương. Chúng ta triển khai sớm, khẩn trương và đồng bộ từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, sự chủ động sát sao nghiêm túc trách nhiệm, chuyên nghiệp của lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong vùng, trong đó có cả hệ thống chính.

Quan trọng nhất là ý thức, tự giác tuân thủ của người dân, đại bộ phận người dân cùng nêu cao trách nhiệm trong phòng tránh thiên tai thông qua vai trò vận động, khuyến cáo của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.

Thích ứng và sự tham gia của người dân khi ứng phó với thiên tai, là nhân tố rất quan trọng, cần phải nâng cao năng lực, kỹ năng của cộng đồng. Vai trò cộng đồng tham gia vào phòng chống thiên tai vào bão là cần thiết. Mô hình “Cộng đồng đồng quản lý” khai thác thuỷ sản ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế là một gợi ý để mà các địa phương thích ứng kịp thời bão lũ.

Về việc cưỡng chế ngư dân rời tàu cá lên bờ, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có cách tiếp cận khác tốt hơn. Khi ngư dân về trú tránh ở âu thuyền rồi, thay vì ép ngư dân lên bờ gây căng thẳng giữa chính quyền và ngư dân để rồi họ trốn tránh, chúng ta có thể cần phương tiện thông tin liên lạc để kết nối được trong bất kỳ tình huống nào.

Về kinh nghiệm ứng phó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, trước hết phải có sự chỉ đạo từ sớm, từ xa. Thủ tướng Chính phủ liên tục có công điện gửi các địa phương, chủ trì những cuộc họp trực tuyến và yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt trong phòng chống bão số 4. Hệ thống chính trị từ Trung ương tới các bộ ban ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm rất cao, xây dựng kế hoạch rất tỉ mỉ. Đặc biệt là các lực lượng Quân đội, Công an đã khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực chuẩn bị chu đáo từ lúc trước, trong và sau khi cơn bão vào đất liền.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; đánh giá cao sự đùm bọc, giúp đỡ, tương thân tương ái của bà con để cùng nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Gia đình có nhà cấp 4 thì sang nhà kiên cố để ở cho nên chúng ta mới di chuyển được hàng vạn người trong thời gian rất ngắn, có những khách sạn dành riêng để hỗ trợ cho địa phương đưa bà con di tản vào. Sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời từ sớm từ xa và sự chấp hành sự lãnh đạo chỉ đạo của các tầng lớp nhân dân quyết định cho kết quả vừa qua chúng ta đã làm.

Cùng xem một số hình ảnh tránh bão của đồng bào miền Trung

Em bé chưa đầy 2 tháng tuổi đã theo cha mẹ đi tránh bão số 4.

Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng chuẩn bị bữa ăn cho người dân tại điểm sơ tán tập trung.

Nụ cười của người mẹ khi con say ngủ trong lúc đi tránh bão số 4.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn động viên người dân tại điểm sơ tán Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.

Niềm vui của gia đình nhỏ khi các thành viên đều bình an.

 

VOV Miền Trung

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC