Nạn nhân chất độc da cam- Nỗi đau chưa nguôi
Thứ tư, 10:55, 10/08/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Cùng với tàn phá môi trường tạo nên những vùng “đất chết”, hậu quả mà chất độc hóa học gây ra với con người thật khủng khiếp và chưa dừng lại, nỗi đau mang tên “da cam/dioxin” còn đang tiếp tục kéo dài tới những thế hệ sau.

 

Có một nơi mà người ta có thể dễ dàng cảm nhận được mức độ khủng khiếp của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra, đó là Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum- nơi đang nuôi dưỡng 54 trẻ khuyết tật. Trong số các cháu, nhiều cháu bị thiểu năng trí tuệ, bại não, liệt… Những cháu này phần lớn được Trung tâm đón về nuôi từ huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, nơi hơn nửa thế kỷ trước là địa bàn trọng điểm quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học

Bà Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm cho biết, Hiện nay trẻ khuyết tật đặc biệt nặng ở Trung tâm chiếm gần 50%. Các cháu chỉ biết bò, nhiều cháu chỉ nằm một chỗ, cơ địa yếu, sức đề kháng không có. Cứ vào thời điểm giao mùa là các cháu lại nhiễm bệnh mà toàn bệnh nặng. Có những trẻ nhìn rất khỏe mạnh nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ, học 5 năm liền không biết một chữ nào. Chăm sóc vất vả nhất, tốn nhiều công sức vẫn là ở trẻ khuyết tật đặc biệt nặng.

Là nơi quân đội Mỹ khởi đầu cuộc chiến tranh hóa học vào ngày 10/8/1961, nhiều khu vực ở tỉnh Kon Tum bị phun rải nhiều lần với tổng cộng 346.000 lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 34.000 lít chất độc da cam. Đến nay, nồng độ chất độc còn tồn lưu trong đất khiến nhiều người bị nhiễm để lại hậu quả lâu dài. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh Kon Tum có gần 8.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó gần 1.000 người đã và đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

Là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học, ông Nguyễn Vươn, 79 tuổi, nhà ở Tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, nỗi đau cứ ám ảnh mãi và kéo dài sang cả con cháu: Lúc đầu, khi bị chất độc hóa học thì mình cũng chưa biết. Về sau thấy sức khỏe càng ngày càng yếu mà đặc biệt trong người bây giờ nhiều bệnh lắm. Ảnh hưởng chất độc hóa học thì sức khỏe, đặc biệt là con cái rất hạn chế. Sinh được đứa con nào ra nuôi thì cũng nuôi được nhưng mà vất vả vô cùng.

Trong cuộc chiến tranh hóa học kéo dài 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành gần 20.000 phi vụ, phun rải trên 80 triệu lít chất độc diệt cây, trong đó có 61% là chất da cam chứa 366kg chất độc dioxin cùng với trên 9.000 tấn chất độc CS rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam. Cùng với thảm họa nặng nề đối với môi trường, cuộc chiến tranh hóa học còn gây ra nỗi đau dai dẳng cho những người đã đi qua chiến tranh và con cháu của họ.

Dàn phóng E8 chứa chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài nhất và hậu quả tàn khốc nhất lịch sử loài người. Công tác khắc phục hậu quả rất gian nan và hiện vẫn còn đang phải tiếp tục.

Đại tá Phạm Công Hữu, Phó Chính ủy Binh chủng hóa học cho biết, Binh chủng hóa học tích cực phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh ở các địa bàn miền Trung- Tây Nguyên, đặc biệt ở các Quân khu 4, 5, 7. 9. Binh chủng hóa học cũng tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiến hành hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở 11 tỉnh phía Nam.

Trước nỗi đau chưa nguôi mang tên chất độc da cam/dioxincùng với vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, Hội nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin Việt Nam còn thay mặt nạn nhân tiến hành vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc da cam/dioxin cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chưa giành được thắng lợi cuối cùng nhưng cũng đã làm cho người Mỹ, quân đội Mỹ hiểu được đây là tội ác chiến tranh và họ phải có trách nhiệm với các nạn nhân cũng như tránh lặp lại sai lầm.

Đại diện Binh chủng hóa học tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở tỉnh Kon Tum.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam/ Dioxin Việt Nam cho biết, từ năm 2009 đến nay Chính phủ Mỹ đã bắt đầu khử độc về môi trường. Dự án đầu tiên họ thành công với 105 triệu USD là ở sân bay Đà Nẵng. Từ nay đến năm 2030, có thể họ sẽ tẩy độc ở Biên Hòa và các tỉnh khác. Từ trước đến nay nói về chất độc da cam thì Mỹ không chấp nhận nhưng từ năm 2015, 2016 đến nay, họ đã phải viện trợ cho nạn nhân khoảng 61 triệu USD đầu tư cho các phòng khám, các phòng phục hồi chức năng và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.

Trong 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin có trên 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua song nỗi đau mang tên “da cam/dioxin” vẫn còn đeo bám, hàng ngày hành hạ, dày vò khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tuyệt vọng. Để xoa dịu nỗi đau mang tên da cam/dioxin, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đang tiếp tục được đẩy mạnh nhằm động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống./.

 

Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC