Nắng tháng 6 như đổ lửa trên đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng. Vừa trực phát sóng phát thanh - truyền hình, anh Nguyễn Trung Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện vừa phối hợp anh em đồng nghiệp, lấy tin, dựng hình về sự kiện vừa diễn ra trên đảo, kịp thời gửi về cung cấp cho Đài PT-TH Hải Phòng.
Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm giữa vịnh Bắc bộ, cách bờ hơn 130km, có hơn 200 hộ dân cùng các đơn vị đóng quân. Đảo chỉ rộng chừng 3km2 nhưng địa bàn tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên như anh Hưng thì có cả ngàn km2 ngoài biển khơi.
Hàng ngày, ngoài tiếp phát sóng phát thanh - truyền hình, họ còn thực hiện các bản tin với nội dung phong phú về mọi mặt KT-XH, đưa thông tin tuyên truyền đến với người dân, ngư dân ghé vào đảo bằng hệ thống loa phát thanh FM tất cả các khu dân cư, cầu cảng. 22 năm gắn bó với Bạch Long Vĩ, vì đặc thù huyện đảo xa xôi nên các anh đều kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Anh Nguyễn Trung Hưng kể, anh em ngoài này đa nhiệm, mình cứ tự tìm tòi, học tập, chỉ bảo lẫn nhau. Có những người ra không biết quay phim, nhưng người này biết thì chỉ cho người kia. Người không phải phát thanh viên nhưng cũng rèn luyện, đọc dần thành quen. Những đợt bão gió, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn mình cũng bố trí cử anh em bám theo tàu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm y tế quân dân y để làm sao lấy hình, lấy tin, gửi về cập nhật kịp thời.
Phóng viên, biên tập viên... của Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện đảo Bạch Long Vĩ đa năng, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau
Cũng như những đồng nghiệp Bạch Long Vĩ, chị Vũ Thị Báu, phóng viên Trung tâm truyền thông và văn hoá huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) không phải là người bản địa, nhưng chị cũng mang trong mình một tình yêu và sự gắn bó với đảo tiền tiêu. Những ngày đầu, đảo thiếu thốn đủ bề từ cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị làm việc, việc thu phát sóng thực hiện thủ công, chưa kể những vất vả do thiếu điện, thiếu nước, hay phải lênh đênh cả ngày trời mới đến được những đảo xa xôi hơn như Trần, Thanh Lân.
Tình cảm nồng hậu, chân chất, sự giúp đỡ nhiệt thành của những người dân đảo đã vun đắp thêm cho lòng yêu nghề, yêu đảo trong chị. Từ cô sinh viên mới ra trường với suy nghĩ ban đầu “chỉ ra công tác Cô Tô một thời gian rồi về đất liền”, giờ chị Báu đã sống ở đảo hơn 14 năm. Với chị, trăn trở lớn nhất là làm sao có thể bám sát cơ sở, tìm kiếm đề tài, thể hiện những con người, câu chuyện luôn tươi mới, không “đều đều như một:
Chị Vũ Thị Báu chia sẻ: Chính sự gần gũi với người dân đảo đã tạo cho tôi sự thuận lợi trong công việc. Người dân cung cấp, chia sẻ thông tin, và khi mình trao đổi thì không có sự tách biệt giữa vai trò là phóng viên, các cơ quan đoàn thể đi đến với dân, mà cảm giác như những người nhà. Vì yêu thích, đam mê nên chúng tôi luôn tìm tòi để làm mới công việc, gây sự ấn tượng và để tác phẩm của mình không dẫn đến sự nhàm chán.
Phóng viên của Trung tâm Truyền thông và Văn hoá Cô Tô đa số là nữ, nhưng họ đa năng và nhiệt huyết không thua kém bất cứ đồng nghiệp nam nào trong đất liền”. Họ vừa là phóng viên, vừa là quay phim, vừa là biên tập viên, vừa là phát thanh viên… Nỗ lực học hỏi và hoàn thiện bản thân, những chương trình, những tác phẩm của họ ngày càng nâng cao chất lượng, được ghi nhận bằng sự đón nhận của công chúng và những giải thưởng báo chí hàng năm.
Với sự vận động không ngừng của nghề, mỗi phóng viên, biên tập viên “Đài huyện” đều phải tự học hỏi, đổi mới chính mình. Các chị cung cấp thông tin cho các trang mạng xã hội, fanpage chính thống của các đơn vị, quảng bá văn hoá, du lịch Cô Tô, đổi mới trong sản xuất các bản tin phát thanh chuyên đề trong tuần.
Đặc biệt, Cô Tô là huyện đảo đầu tiên được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để thí điểm chuyển đổi số với quy mô cấp huyện. Công tác phát thanh - truyền hình cũng đang được ứng dụng hiệu quả, đòi hỏi mỗi người phải bắt kịp với công nghệ để đáp ứng yêu cầu công việc mới.
Chị Nguyễn Thị Mến, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hoá Cô Tô tâm sự: Hiện nay ở Trung tâm của chúng tôi cũng có những phóng viên được đào tạo rất bài bản, đến và gắn bó với Cô Tô. Có những bạn là con em của đảo được học tập, đào tạo, làm việc rất nhiệt tình, tâm huyết, sẵn sàng gắn bó với nghề. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với nhau, rồi đi theo các đoàn báo chí trung ương, địa phương khi ra đảo tác nghiệp để học tập kinh nghiệm, nâng cao hơn nghiệp vụ của mình.
Những người làm báo trên các huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc không ngừng học hỏi để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới, đưa hình ảnh đảo xa đến với mọi người dân
Cô Tô, Bạch Long Vĩ đã và đang “vươn mình trên sóng”, từng bước tiến gần hơn đất liền nhờ sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân đổi thay từng ngày. Nhờ các phóng viên “Đài huyện”, hình ảnh về cuộc sống, con người từ các huyện đảo tiền tiêu được cập nhật cho khán thính giả bất kể khó khăn, sóng gió. Nơi đảo xa, những thông tin hấp dẫn vẫn ngày ngày vượt sóng, đến với từng người dân, từng ngư dân một cách chân thực và gần gũi nhất./.
Trường Giang/VOV Đông Bắc
Viết bình luận