Tỉnh Sơn La hiện có hơn 17.300 ha cà phê, tập trung tại thành phố và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp. Tính đến nay đã có gần 600 héc ta cây cà phê bị thiệt hại do sương muối.
(Gần 600 héc ta cây cà phê bị thiệt hại do sương muối - Nguồn ảnh: Internet)
Bản tái định cư Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La có 68 hộ dân thì tất cả đều trồng cà phê với gần 49 ha. Rét đậm, rét hại kèm theo sương muối trong những ngày qua đã làm hơn 90% diện tích cà phê đang vào vụ thu hoạch bị cháy khô và không thể phục hồi.
(Hơn 90% diện tích cà phê đang vào vụ thu hoạch bị cháy khô - Nguồn ảnh: Internet)
Dưới cái lạnh cắt da thịt, bà con vẫn tranh thủ thu hái mong vớt vát lại chút ít. Những quả cà phê xanh non, bị đen và teo tóp vẫn được thu hái. Nhiều hộ dân lo lắng không biết sẽ bán cho ai và sang năm tới không biết làm thế nào.
(Những quả cà phê xanh non, bị đen và teo tóp vẫn được thu hái)
Từ khi chuyển về bản Chiềng Yên tái định cư, bà con được khuyến khích trồng cây cà phê để tăng nguồn thu nhập. Sau vài năm có hiệu quả, năm nay lại bị sương muối, việc trả nợ vốn vay đầu tư và trang trải cuộc sống sắp tới đối với nông dân Chiềng Yên là vô cùng rất khó khăn.
Đa số các hộ dân ở đây chỉ biết trông vào thu nhập từ cây cà phê này để nuôi các con ăn học, nhưng trước tình hình này, từ sang năm trở đi, họ biết lấy gì để nuôi các con ăn học?
Trước dự báo rét đậm, rét hại kèm sương muối kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La liên tục có những văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống giá rét, sương muối đặc biệt là cây cà phê. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp về cơ sở hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng duy trì cho những vụ sau.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La: hiện tại, ngành chỉ đạo thành phố, các huyện và các phòng nông nghiệp phòng kinh tế của các huyện, Ủy ban nhân dân các xã thống kê lại số lượng thiệt hại. Sau đó trình theo quy định để hỗ trợ thiệt hại cho bà con, giúp bà con khôi phục sản xuất. Về lâu dài, Sơn La sẽ tập trung thực hiện tái canh cây cà phê với loại giống tốt hơn, cho hiệu quả năng suất cao hơn và tìm giải pháp để đưa ra cây cà phê tới đây có thể chịu được giá rét.
Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, rét đậm, rét hại kéo dài đã làm thiệt hại hơn 2.000 héc ta chè, cà phê, nhãn, xoài…, tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu. Tính đến nay, toàn tỉnh cũng đã có 7 con trâu, bò bị chết rét./.
Đắc Thanh/VOVTây Bắc
Viết bình luận