Trước đây, hộ chị Thạch Thị Thanh, ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thuộc diện hộ nghèo. Không có đất sản xuất, anh chị thuê đất của hàng xóm trồng rau, tạo thu nhập. Mặc dù cố gắng mấy cũng chỉ đủ giải quyết bữa ăn hàng ngày và nuôi con ăn học. Năm 2016 được xét vay vốn ưu đãi 15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, đến nay đàn bò của gia đình đã tăng lên 5 con và năm ngoái chị đã cất được căn nhà trị giá 110 triệu đồng.
Chị Thạch Thị Thanh phấn khởi chia sẻ, cất được căn nhà kiên cố không lo mưa gió nữa, yên tâm tập trung lo cho con ăn học. Trước đây Đôn ta nào cũng tổ chức mâm cơm đơn giản cúng ông bà, bây giờ thì chuẩn bị mâm cơm khá hơn. Cám ơn nhà nước, cám ơn chính quyền đã quan tâm giúp đỡ.
Bà Thạch Thị Cui, ở ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành thuộc diện hộ nghèo. Ngoài 60 tuổi, bà phải vẫn sống trong căn nhà xập xệ, dột nát. Gia đình không có đất canh tác, cuộc sống chỉ trông chờ vào máy luống rau xung quanh nhà, trong khi các con đều ra riêng và cũng thuộc diện khó khăn.
Cách nay hơn chục năm, hộ bà Thạch Thị Cui từng được hỗ trợ căn nhà theo Quyết định số 167 nhưng nay nhà đã mục mà bà không có khả năng sửa sang lại. Mới đây bà được xét cho vay 50 triệu đồng để nhà xây nhà mới. Phấn khởi hơn khi căn nhà hoàn thành vào dịp Sên Đôn ta. Bà Thạch Thị Cui cho biết kinh phí xây nhà ước khoảng 70 triệu đồng, các con bà hứa sẽ giúp trả dần.
Hộ bà Thạch Thị Cui là 01 trong 04 hộ nghèo được xét cho vay xây lại căn nhà theo tiêu chí “3 cứng”. Sau khi 04 căn nhà này hoàn thành, ấp Ba Tiêu đã xoá toàn bộ hộ khó khăn về nhà ở tính đến thời điểm này. Sen Đôn ta năm nay, tuy vụ mùa không thuận lợi nhưng bù lại dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo không còn lo về nhà ở nên lễ Sen Đôn ta năm nay rất ấm cúng.
Ông Thạch Huy Hoàng, cán bộ hưu trí, người có uy tín trong đồng bào Khmer cho biết, Ở Ba Tiêu bây giờ những hộ khó khăn về nhà ở được vay ưu đãi để xây nhà, thiếu vốn sản xuất thif được hỗ trợ vốn, thiếu đất cất nhà nhà nước hỗ trợ đất để cất nhà. Bây chỉ còn hộ có hoàn cảnh đặc biệt mới nghèo. Đôn ta năm nay mặc dù vụ mùa không thuận lợi nhưng nhìn chung phấn khởi, vì dịch bệnh được kiểm soát, không ai còn thiếu đói nên chùa chiền cũng đông người.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm, cơ bản không còn hộ khó khăn về nhà ở. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh dành khoảng hơn 271 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư, hỗ trợ nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn vốn này sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư vào các chương trình, dự án trọng tâm về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer; thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch địa phương.
Ông Lê Hoàng Phi, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Ngân hàng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể ủy thác ưu tiên cho đối tượng vay vốn là đồng bào dân tộc. Thông qua nguồn vốn chính sách này, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất. Điều này cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Năm nay, bà con Khmer ở ĐBSCL đón Sen Đôn ta phấn khởi hơn vì đời sống được cải thiện. Khắp các phum sóc ngày càng có nhiều ngôi nhà, ngôi chùa Khmer được xây dựng khang trang, góp phần làm cho không khí đón lễ Sen Đôn ta truyền thống của bà con càng thêm ý nghĩa./.
Cùng xem một vài hình ảnh về niềm vui của đồng bào Khmer khi một mùa Sen Dolta lại về
Bà Thạch Thị Cui với căn nhà mới sắp hoàn thành (do Nhà nước hỗ trợ kinh phí).
Lu (lớn) đựng nước mưa do tỉnh hỗ trợ hộ nghèo.
Vùng đồng bào Khmer Đa Lộc, huyện Châu Thành ngày nay.
Phật tử cúng dường trai tăng trong thời gian diễn ra lễ Sen Đôn ta.
Phật tử lễ chùa mùa Sen Đôn ta.
Thạch Sa Oanh/VOV ĐB Sông Cửu Long
Viết bình luận