Là đơn vị xuất khẩu chè lớn nhất ở tỉnh Tuyên Quang, mỗi năm Công ty Cổ phần chè Tân Trào xuất khẩu khoảng 2.500 tấn chè sang thị trường Áp-ga-ni-xtan và Đài Loan. Từ đầu năm đến nay, công ty này mới chỉ xuất khẩu được 800 tấn. Gần 600 công nhân, người lao động của Công ty hiện đang làm việc cầm chừng và 2 tháng nay đã bị chậm lương.
Công nhân, người lao động làm việc cầm chừng
Ông Hoàng Thanh Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Trào, cho biết: Làm ngành chè không thể dừng hoạt động mà vẫn phải duy trì sản xuất, nếu không sẽ mất nguồn nguyên liệu sau này. Khó khăn nhất của Công ty hiện nay là giá cước vận tải biển tăng quá cao, trước đây chỉ khoảng 900 USD/Container, nay tăng lên gần 8000 USD/Container.
Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam có hiện tượng, một số hãng tàu không bán thẳng vỏ Container cho doanh nghiệp mà thông qua các công ty dịch vụ. Các Công ty Dịch vụ cùng nhau ôm vỏ Container và cùng nhau tăng giá, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè.
Công ty TNHH 27/7 ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là đơn vị sản xuất và chế biến quặng Barit (phục vụ cho khoan dầu khí). Mỗi năm đơn vị này xuất khẩu sang thị trường Malayxia và Indonexia khoảng 45 nghìn tấn quặng Barit.
Tuy nhiên, do cước vận tải biển tăng quá cao, cùng với giá quặng Barit ở các nước xung quanh khu vực giảm mạnh, nên đơn vị cũng chỉ sản xuất cầm chừng chỉ đạt khoảng 30% so với các năm trước. Kéo theo đó, hàng trăm công nhân buộc phải đi làm giãn ca, hoặc nghỉ việc tạm thời hưởng hỗ trợ thất nghiệp.
Bà Bùi Ngọc Phương Mai, Phó Giám đốc Công ty TNHH 27/7, cho biết: lao động nghỉ việc được hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triều đồng. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, mong Nhà nước giảm thuế xuất khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất Barit để có thể cạnh tranh với khu vực. Giá dầu trước còn thấp nhưng giá cước vận tải biển đã tăng lên nhiều, nay giá dầu tăng thì không biết giá cước tàu biển sẽ như thế nào.
Hiện nay, giá cước tàu biển tăng cao, cũng như thiếu hụt vỏ Container đóng hàng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu, nhất là đối với hàng nông sản, nhóm hàng có giá trị gia tăng thấp.
Thiếu hụt vỏ Container ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp
Để giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: miễn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tín dụng ngân hàng…vv.
Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Các doanh nghiệp làm ngành hàng xuất khẩu như may mặc, gỗ lâm nghiệp…vv đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Vừa rồi có 38 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với ngân hàng, Sở Công thương đã làm cầu nối để doanh nghiệp làm việc với ngân hàng. Nhờ đó, Ngân hàng đã tìm đến và cho doanh nghiệp vay vốn thương mại.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, mới đây tỉnh Tuyên Quang đã mở cuộc truyền, vận động "Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng các sản phẩm của Tuyên Quang" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trước những tác động của đại dịch Covid-19./.
Mạnh Phương/VOV1
Viết bình luận