Vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng hết sức đặc thù
Thứ hai, 23:01, 03/05/2021 Hoang Minh Hoang Minh
VOV4.VN - "Những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã cơ bản đầy đủ. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó thì cần phải được tập trung và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Đấy chính là những giải pháp cụ thể sẽ đem lại đời sống của đồng bào được cải thiện hơn" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hầu A Lềnh

 

PV: Xin được chúc mừng ông đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc! Kính thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, đúng dịp này, 75 năm trước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha dân tộc thiểu số, tiền thân của Ủy ban Dân tộc hôm nay. Với trọng trách là người đứng đầu hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc thì Bộ trưởng hẳn là đang suy nghĩ rất nhiều về chuyện là làm thế nào để tiếp tục chăm sóc và chăm sóc tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số.?

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hầu A Lềnh: Trước hết là tôi trân trọng cảm ơn đài tiếng nói Việt Nam đã có lời chúc mừng đối với tôi. 75 năm qua, sau nhiều lần đổi tên, thay đổi về vị trí. Có lúc là Nha dân tộc của Chính phủ. Có lúc là Ban dân tộc của Trung ương. Nhưng mỗi một lần thay đổi như vậy đều không thay đổi về mặt mục tiêu. Đó là tham mưu cho Đảng về chủ trương, chính sách và tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương để tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày hôm nay, chúng tôi xác định, thứ nhất là tiếp tục nỗ lực để tiếp bước các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc thiểu số trong 75 năm qua, để tiếp tục cùng với các cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương tham mưu cho Đảng để có những chủ trương, chính sách hết sức quan trọng mới và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách đó. Đặc biệt là Nghị quyết số 88 Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới đây.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hầu A Lềnh

PV: Là người dân tộc thiểu số và sinh sống ở miền núi vùng cao và cũng trưởng thành từ cơ sở, từ thực tế cuộc sống và quá trình công tác, Bộ trưởng nghĩ như thế nào về cơ hội và tiềm năng phát triển của miền núi, vùng cao? Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ nào phù hợp trong giai đoạn hiện nay để tạo đà cho những vùng còn đang ở diện đặc biệt khó khăn phát triển?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hầu A Lềnh: Trước hết, là một người con của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, là một vùng khó khăn nhất của đất nước Việt Nam. Trải qua quá trình học tập công tác và phát triển sự nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy rằng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng hết sức đặc thù. Đây là vùng biên giới. Đây là vùng có rất nhiều tiềm năng thế mạnh, về kinh tế, về văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và cũng là nơi có bản sắc văn hóa dân tộc hết sức phong phú và đa dạng.

Những tiềm năng thế mạnh đó đã được Đảng Nhà nước xác định từ rất nhiều nhiệm kỳ và đã có nhiều chủ trương chính sách để phát huy tiềm năng thế mạnh đó để nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng còn rất nhiều khó khăn bề bộn. Đặc biệt là về hạ tầng, giáo dục và đào tạo, trình độ sản xuất, tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của bà con dân.

Chúng tôi suy nghĩ rằng những giải pháp căn cơ thì trước hết là ta bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Nhất là gần đây, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu những định hướng hết sức quan trọng và rõ ràng. Chính phủ cũng đã cụ thể hóa bằng chương trình hành động của Chính phủ.

Tôi cho rằng là những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay đã cơ bản đầy đủ. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó thì cần phải được tập trung và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Đấy chính là những giải pháp cụ thể sẽ đem lại đời sống của bà con nhân dân được cải thiện hơn.

PV: Cách đây ít ngày thì Bộ trưởng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng dự định sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách cơ bản nào để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hầu A Lềnh: Việc Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm tôi làm Phó Trưởng ban thường trực của Ban chỉ đạo Quốc Gia Thực hiện Chương Trình Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, là một vinh dự với cá nhân tôi, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức to lớn và nặng nề. Tôi xác định đây là một việc mà mình phải triển khai ngay.

Việc trọng tâm đầu tiên là hiện nay chúng tôi đang tập trung để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo giải trình để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước. Trên cơ sở trình Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; và trình Quốc hội vào phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 15 để quyết định đầu tư.

Hiện nay chúng tôi đang song song chuẩn bị các văn bản có liên quan; gồm có các tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn, các Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện triển khai chương trình; hướng dẫn địa phương thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối; Đồng thời cũng hoàn thiện hệ thống quy chế rồi chương trình làm việc giai đoạn từ nay đến năm 2025 của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng các hệ thống văn bản, hệ thống cơ chế chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ ký trong giai đoạn từ nay đến tháng 9 năm 2021. Với một quyết tâm là trong năm 2021 là sẽ phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách và các Thông tư hướng dẫn để tạo sự thống nhất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, để triển khai chương trình này có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng và xin chúc Bộ trưởng và chúc những cán bộ làm công tác dân tộc có nhiều sức khỏe để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn, tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc!

 

(Hoàng Minh thực hiện)

Hoang Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC