Bảo vệ rừng- gắn với sinh kế của người dân
Thứ ba, 00:00, 22/05/2018 THU HA bt THU HA bt
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt được giao quản lý gần 86.000 ha rừng, phân bố trên địa bàn thuộc 9 xã giáp biên giới Việt -Lào thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An. Với hình thức giao khoán rừng cho người dân , Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt đã góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng hoặc đốt rừng làm nương rẫy.

 

 

86.000 héc ta rừng do Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý bao gồm 35.000 ha rừng đặc dụng; 51.000 ha rừng phòng hộ, thuộc địa bàn các xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Châu Thôn, Cắm Muộn, Nậm Nhoóng của huyện Quế Phong.

Xác định tính chất phức tạp của địa bàn, nhân lực ít nên Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã áp dụng công tác giao khoán rừng cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và một số đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn để họ cùng tham gia, có trách nhiệm bảo vệ rừng.

Từ năm 2013 đến nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giao khoán gần 250.000 lượt ha rừng cho 8.000 hộ gia đình và tổ chức, cấp 5000kg gạo cho bà con, chi trả bình quân từ 200 ngàn đồng/ha/năm đối với rừng đặc dụng và 300 ngàn đồng/ha/năm đối với rừng phòng hộ. Điều này góp phần làm giảm áp lực cho các hộ dân cư trú bên những cánh rừng.

Huyện Quế Phong cũng phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt giúp người dân ổn định sinh kế bằng nhiều nguồn dự án, tham gia trồng rừng, phát triển chăn nuôi và tăng gia sản xuất.

Huyện cử cán bộ tham gia cùng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thường xuyên kiểm tra các khu rừng nhận khoán, phát hiện vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, diện tích rừng thuộc địa bàn quản lý của Khu BTTN Pù Hoạt nhiều năm qua không xảy ra cháy rừng hoặc đốt rừng làm nương rãy.

(Đánh dấu cây cần được bảo vệ ở khu BTTN Pù Hoạt)

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của nhà nước, thù lao cho một héc ta từ 200.000 đến 300.000 đồng một năm thì mỗi hộ trông coi từ khoảng 5 đến 10 héc ta rừng chỉ có thể mua được hơn một tạ gạo. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà nước cần có những điều chỉnh trong chính sách hỗ trợ, để người dân nâng cao hơn về trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng.

Để bảo vệ rừng tận gốc thì các chính sách cần thỏa đáng nhằm tăng ý thức trách nhiệm của người dân gắn với bảo vệ rừng, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Với các khu bảo tồn thiên nhiên như Pù Hoạt, cần có những chính sách kịp thời để gắn sinh kế với bảo vệ rừng. Mức hỗ trợ cũng phải hợp lý để người dân gắn trách nhiệm của mình với việc gìn giữ và từ bỏ sinh kế từ việc khai thác rừng đến cạn kiệt./.

Quốc Khánh/VOV1

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC