Ở xã miền núi Phan Lâm, huyện Bắc Bình. Một khu đất gần quốc lộ rộng hơn chục héc-ta đã được đầu tư hạ tầng, điện và đường nội bộ. Tại đây có 4 công trình đứng giữa bãi đất hoang, tòa nhà 2 tầng nằm sau đám cỏ dại, mở toang cửa, không một bóng người.
Do hoang phế từ lâu, không người trông nom, xung quanh cỏ hoang mọc um tùm, kẻ gian đến đập phá cửa kính và cửa gỗ lấy đi ổ khóa, ổ điện và các thiết bị bên trong. Một số người còn chăn thả gia súc vào khuôn viên và trong các phòng, cho bò dê ăn uống, phóng uế bẩn thỉu.
Ông Lương Minh Thanh, làm rẫy gần khu tái định cư C2, cho biết: “Bỏ hoang mấy năm nay, đâu có ai ở gì đâu. Trâu bò nó vô nó phá tùm lum trong đây. Người ta thả bò nhốt vô trong đây cả ngày cả đêm luôn”.
Người dân trong làng cho biết 4 khối nhà đang bị bỏ hoang là các công trình phục vụ cho khu tái định cư C2. Trong đó, tòa nhà 2 tầng bề thế với nhiều căn phòng cửa gổ, cửa kính là trạm y tế chuẩn quốc gia. Khối nhà 3 dãy xếp theo hình chữ U là trường tiểu học; đằng sau đó là trường mẫu giáo và nhà điều hành cộng đồng.
Chứng kiến cảnh xuống cấp của những công trình ngốn hàng chục tỷ đồng do nhà nước đầu tư, ông Minh Thôi, người dân xã Phan Lâm, không khỏi xót xa: “Lãng phí thật. Đâu phải tiền Nhà nước là để vẽ ra dự án như vậy. Trong khi dân chúng tôi cũng có thuế má, cũng có đóng thuế từ dân. Dân đưa tiền tới Chính phủ, sau đó Chính phủ mới xây dự án. Nhưng mà làm xong rồi bỏ vậy. Mà cứ đi sửa miết. Làm xong không hoạt động, sửa miết thì nó hư hao”.
Ở khu làng Dốc Đá, xã Phan Lâm, có rất nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo sống trong các chòi rẫy, ngày nào cũng phải đi học xa. Đường sá xa xôi, các em đội nắng đội mưa đến trường vất vả. Trong khi đó ngôi trường ở khu tái định cư C2 gần nhà thì lại đang bỏ hoang, xuống cấp.
Cháu Minh Anh Thông, thường ngày từ dốc Đá qua xã Sông Bình đi học rất xa, ước mong có ngôi trường gần nhà: “Con thích trường gần nhà để tới trường cho nhanh, sướng, khỏi bị trễ học. Rồi em của con cũng có thể học trường gần. Bởi vì bây giờ con với em con đi học xa, trường cách nhà tới 8 cây số lận.”
Làm việc với chính quyền xã Phan Lâm, chúng tôi được biết đây là khu tái định cư C2 nằm trong tổng thể dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, bằng vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng Việt Nam.
Khu tái định cư này có 607 lô đất, phục vụ tái định cư cho 3 nhóm đối tượng: người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, các hộ nghèo và cận nghèo của địa phương, dân di cư tự do lâu năm không có nhà ở.
Cách đây 2 năm, sau khi nghiệm thu, 4 công trình nói trên đã được chủ đầu tư bàn giao cho UBND huyện Bắc Bình và UBND xã Phan Lâm quản lý. Các hộ dân thuộc diện ưu tiên cũng đã đến xã đăng ký mua đất, làm hồ sơ pháp lý gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bắc Bình xem xét. Tuy nhiên, do nhiều khúc mắc, đến nay người dân vẫn chưa có cơ hội sinh sống trong khu tái định cư này. Các công trình công ích cũng do đó không phát huy được tác dụng, đành phải bỏ hoang.
Ông K’Tâm, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm, cho biết: “Vướng mắc hiện nay chủ yếu ở chỗ khung giá đất chưa có. Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Bắc Bình chưa có thông báo cho địa phương, cho nên địa phương không có cơ sở để mà thông báo cho người dân, để người có nhu cầu người ta mua đất, xây dựng nhà ở”.
Chính quyền xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình cũng chưa chắc chắn đến khi nào cơ quan có thẩm quyền mới ban hành khung giá đất cho khu tái định cư này. Nhưng với sự chậm trễ nêu trên cùng với việc quản lý lỏng lẻo các hạng mục đầu tư, rõ ràng tỉnh Bình Thuận đang lãng phí nghiêm trọng kinh phí đầu tư bằng vốn vay nước ngoài và ngân sách nhà nước.
Trạm y tế đầu tư đạt chuẩn quốc gia bỏ hoang ở khu tái định cư C2 Phan Lâm
Tại đây có 4 công trình bề thế bị bỏ hoang
Nhiều hạng mục bị đập phá, xuống cấp, hư hỏng
Vật nuôi vào ở và xả đầy phân trong các khối nhà bỏ hoang
Các công trình sử dụng vốn vay JICA đang trở thành chuồng chăn nuôi gia súc
Việt Quốc/VOV-TP.HCM
Viết bình luận