Buôn làng trù phú thành nghèo khó vì “công trình ánh sáng”
Thứ sáu, 00:00, 08/09/2017
VOV4.VN - Gia Lai hiện là một trong những tỉnh có nhiều công trình thuỷ điện nhất cả nước. Do những bất cập và sự thiếu trách nhiệm mà người dân ở địa phương này phải gánh chịu nhiều hệ lụy dai dẳng. Nhiều buôn làng trù phú nhường đất cho những “công trình ánh sáng”, những tưởng sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhưng nay lại trở nên nghèo khó.

 

Năm 2007, khi công trình thuỷ điện sông Ba Hạ chặn dòng, gia đình ông Kpă Je, dân tộc Gia rai, ở buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, có 4 ha đất dọc bờ sông Ba bị hồ chứa nhấn chìm. Ông dành 30 triệu đồng trong số tiền được đền bù gần 100 triệu đồng, mua được 7 sào đất ở nơi khác để tiếp tục canh tác.

Số tiền còn lại, do phải chi tiêu để sống, chỉ sau gần 2 năm, đã hết sạch. Là cư dân quen sống dọc sông, từng thuộc diện hộ khá giả của buôn làng, nay gia đình ông đã phải dắt díu nhau lên núi phá rừng làm rẫy. Biết sai, nhưng đói nghèo khiến gia đình ông buộc phải làm.

Ông Kpă Je nói:  “Tiền thủy điện đền bù mình đi mua đất, nhưng cũng được ít thôi. Số tiền còn lại ăn tiêu một thời gian ngắn là hết. Giờ mình không có việc gì để làm nên phải lên núi phá rừng làm rẫy thôi. Biết là sai nhưng không làm rẫy lấy gì mà sống”.

Buôn Ju từng là buôn làng trù phú bậc nhất bên dòng sông Ba, nhưng nay lại trở nên đói nghèo

Gia đình ông Kpă Je chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân ở xã Krông Năng, huyện Krông Pa, nhường đất cho thủy điện sông Ba Hạ. Theo ông Nông Đức Công, Phó chủ tịch UBND xã, toàn xã có hơn 500 ha đất sản xuất của bà con bàn giao cho công trình thủy điện này. Hầu hết người dân chỉ được đền bù tiền chứ không được bố trí đất sản xuất vì địa phương không còn quỹ đất.

Những diện tích đất còn lại ở xã cũng khó đảm bảo đời sống cho người dân vì phần lớn là đất triền dốc, bạc màu. Sống gắn bó với nông nghiệp nhưng lại thiếu đất là nguyên nhân đưa Krông Năng vào diện xã nghèo nhất huyện và tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 50%.

Ông Nông Đức Công cho biết: “Người dân trên địa bàn xã Krông Năng chủ yếu sống bằng nghề nông. Cho nên sau khi công trình thủy điện sông Ba Hạ thu hồi đất, rất nhiều hộ dân thiếu đất, nên đời sống người dân hết sức khó khăn. Một số hộ đi làm thuê, một bộ phận thì lên rừng, phát nương làm rẫy”.

Lòng hồ thủy điện Ba Hạ lấy đi hàng nghìn hecta đất sản xuất của người dân

Theo ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, toàn huyện có 5 xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện sông Ba Hạ, với diện tích thu hồi khoảng 1.800 ha. Trước khi nhường đất cho công trình này, bình quân mỗi hộ có tới gần 4ha đất sản xuất, đời sống rất ổn định.

Nhưng hiện nay, do thiếu đất, đồng thời hệ số sử dụng đất thấp do thiếu các công trình thủy lợi, đời sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn. Huyện đã nhiều lần đề nghị tăng cường đầu tư các công trình dân sinh để cải thiện đời sống người dân, nhưng đến nay, chưa được giải quyết.

“Trong quá trình triển khai dự án, huyện cũng đã kiến nghị nhiều lần về việc đầu tư một số công trình trạm bơm điện để đảm bảo phân chia đất đai và tăng hiệu số sử dụng đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư. Huyện tiếp tục kiến nghị để tạo điều kiện cho việc giải quyết đất sản xuất và tăng hệ số sử dụng đất, tăng hiệu quả sử dụng trên đầu diện tích, đảm bảo đời sống người dân”  - ông Tô Văn Chánh nói.

Buôn Jú từng là buôn làng trù phú bậc nhất cạnh dòng sông Ba, ở vùng đất phía Đông Nam Gia Lai. Những tưởng nhường đất cho công trình, đời sống của bà con sẽ tiến bước cùng với dòng điện, nhưng giờ đây buôn Jú trở thành buôn có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất của huyện nghèo Krông Pa.

Đời sống bà con trở nên ảm đạm và khánh kiệt. Có thể nói đây là hệ lụy của việc thiếu trách nhiệm với dân, nhưng lại không phải là cá biệt khi còn nhiều buôn làng trú phú khác cũng đã và đang dần nghèo đói vì các công trình thủy điện.

 

 

 

 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC