Dân mòn mỏi đợi chờ chế độ hỗ trợ tái định cư thủy điện Sơn La
Thứ ba, 00:00, 21/11/2017
VOV4.VN - Rời xa quê cha đất tổ, người dân ở các vùng tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Lai Châu đã hy sinh rất nhiều. Thế nhưng, dù đã gần 10 năm sinh sống trên vùng đất mới, hơn 520 hộ dân tái định cư ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, vẫn chưa được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề. Bà con mòn mỏi chờ chế độ.

 

Năm 2008, gia đình ông Nguyễn Văn Phương cùng với hơn 500 hộ dân ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, thực hiện chủ trương của Nhà nước về di dân tái định cư thủy điện Sơn La, chuyển đến định cư tại tổ 25 và 26, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu.

Đã gần 10 năm trôi qua, ông Phương cùng nhiều gia đình vẫn phải chật vật, loay hoay tìm kế sinh nhai bằng đủ các nghề để nuôi sống gia đình. Thế nhưng, việc hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề theo chính sách của Nhà nước vẫn chưa được xem xét giải quyết, mặc dù họ đã kiến nghị nhiều lần.

Nhiều gia đình phải di chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho lòng hồ và các công trình thủy điện

Tại Điều 27, Quyết định 02/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La, mục 1 ghi rõ lao động nông nghiệp sau khi tái định cư chuyển sang lao động phi nông nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Tại mục 2, lao động nông nghiệp sau khi tái định cư chuyển sang lao động phi nông nghiệp được hỗ trợ chi phí mua sắm công cụ lao động làm nghề mới tối đa không quá 5 triệu đồng/lao động và được chi trả 1 lần.

Theo người dân tái định cư nơi đây, những hộ dân tái định cư tại chỗ ở thị xã Mường Lay đều có điều kiện giống những hộ dân ở tổ 25 và 26, đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định. Còn những người dân ở hai tổ 25 và 26 phường Đông Phong, phải di chuyển tái định cư cách nơi ở cũ hơn 100km, thì đến nay vẫn chưa được giải quyết và vẫn phải mòn mỏi đợi chờ.

Bà Phạm Thị Mùi, ở tổ 26, phường Đông Phong, bức xúc: "Trên Lai Châu, chúng tôi đề nghị nhiều, họ bảo ở dưới Điện Biên phải trả. Ở dưới Điện Biên, bà con ở thị xã Mường Lay đã được lĩnh từ những năm trước. Còn trên đây chúng tôi đề nghị thì tổ trưởng tổ dân phố và bí thư chi bộ ở tổ họ bảo phải lập danh sách. Các hộ gia đình chuyển đổi ngành nghề lập danh sách nhưng đến bây giờ chưa thấy ý kiến gì".

Hơn 520 hộ dân tái định cư ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong vẫn chưa được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, người dân tái định cư nông nghiệp khi chuyển đổi nghề hầu như đã được chi trả kinh phí chuyển đổi ngành nghề và số tiền đó cũng đã góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống.

Ông Chu Tiến Hệ, ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Sau khi thực hiện tái định cư dự án thủy điện Sơn La, gia đình tôi ở tại chỗ thuộc tổ 1, phường sông Đà, thị xã Mường Lay. Làm nghề chài lưới dưới nước, khi chuyển lên tái định cư nơi mới thì gia đình tôi làm việc khác. Tất cả chế độ thanh toán chuyển đổi ngành nghề gia đình tôi đã được hỗ trợ. Gia đình tôi có 3 khẩu, mỗi khẩu 8 triệu là gia đình tôi đã nhận đủ".

Theo đại diện phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La về địa bàn là thỏa đáng. Sau khi nhận được ý kiến của người dân, chính quyền phường đã tổng hợp và gửi lên cấp trên. Tuy nhiên tất cả các ý kiến, kiến nghị đến nay đều chưa được giải quyết dứt điểm, khiến bà con bức xúc.

Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu trả lời là việc hỗ trợ, đền bù nơi đi thuộc tỉnh Điện Biên. Cư trú và hộ khẩu thuộc tỉnh Lai Châu, nhiều gia đình đã khăn gói vượt hơn 200km về Điện Biên để "đòi nợ" thì lại nhận được câu trả lời về tỉnh Lai Châu. Quả bóng trách nhiệm được hai địa phương đá cho nhau và việc nhận tiền hỗ trợ của hơn 500 hộ dân không biết trông vào ai?!

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC