Gia Lai thu hồi đất, tái sinh rừng và kỳ vọng ổn định cuộc sống người dân
Thứ ba, 00:00, 12/09/2017
VOV4.VN - Diện tích rừng bị lấn chiếm ở Gia Lai rất lớn. Những khu đất này, sau thời gian đưa vào canh tác nương rẫy, đã bị xói mòn, bạc màu. Tỉnh Gia Lai đang triển khai các giải pháp để thu hồi diện tích bị lấn chiếm để trả về cho mục đích lâm nghiệp, vừa nhằm tăng độ che phủ rừng, vừa tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp.

 

Gia đình anh R’ô Nhân ở xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, đã khai phá hơn 1 ha rừng để làm rẫy. Sau hơn 10 năm canh tác, đất rẫy đã bạc màu. Khi được địa phương vận động thực hiện chủ trương thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng cây phù hợp mục đích lâm nghiệp, gia đình anh Nhân đã đăng ký thực hiện.

Điều khiến anh lo lắng là khi quỹ đất canh tác nương rẫy bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gia đình: “Trước đây, mình phát rừng là để có đất sản xuất. Giờ nhà nước vận động trồng rừng thì gia đình mình thực hiện thôi. Nhưng mình lo là thiếu đất canh tác thì sẽ thiếu cái ăn. Mình mong là khi thu hồi, nhà nước tạo điều kiện để mình nuôi con cái”.

Người dân lấn chiếm đất rừng tại Ia Pa

Điều lo lắng của anh R’ô Nhân cũng là nỗi lo lắng của các hộ đăng ký thực hiện chuyển đổi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng trong đợt này tại huyện Krông Pa. Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng ban thu hồi đất rừng huyện Krông Pa, cho biết, huyện đã lên kế hoạch thu hồi 7.000 ha. Huyện đang tiến hành vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách thu hồi đất của tỉnh.

Khi trả đất đã lấn chiếm, cùng với việc được cấp quyền sử dụng đất để trồng cây lâm nghiệp, các hộ trồng rừng còn được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Trước khi rừng trồng khép tán, người dân có thể tận dụng quỹ đất để canh tác nông nghiệp và được dành một phần đất để canh tác, ổn định cuộc sống.

Ông Trương Quốc Dụng nói: “Chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đã lấn chiếm. Ưu tiên là xong trong năm 2017 này để trong năm 2018 tiến hành trồng rừng theo Nghị 75 và Quyết định 38 của Chính phủ”.

Theo ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, kế hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ thu hồi 30.000ha rừng bị lấn chiếm để trả về cho mục đích lâm nghiệp. Trong đó, tỉnh sẽ cố gắng thu hồi ít nhất 10.000ha trong năm nay và năm tới. 20 nghìn ha còn lại sẽ thu hồi trong năm 2019. 

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đã thành lập 4 đoàn để kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan. Việc thu hồi đất trả về cho mục đích lâm nghiệp nhằm nâng cao độ che phủ rừng, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp ở địa phương. Đồng thời, tỉnh áp dụng các chính sách phù hợp để bà con tham gia trồng rừng, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập. 

Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trả về cho mục đích lâm nghiệp mới chỉ là khởi đầu cho hành trình tái sinh rừng, giúp người dân ổn định cuộc sống và gắn bó với rừng. Để chính sách này đem lại hiệu quả, cần thêm sự kiên trì, trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, giúp người dân thật sự đạt được hiệu quả kinh tế nhờ kết hợp nông nghiệp và lâm nghiệp.

 

 

 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC