Hiệu quả kép từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng​
Thứ hai, 00:00, 18/09/2017
VOV4.VN - Thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang tạo ra hiệu quả kép, đó là rừng được bảo vệ, phát triển và chủ rừng, cộng đồng dân cư, hộ gia đình hàng năm có nguồn kinh phí đáng kể cho công tác quản lý cũng như cải thiện sinh kế.

 

Được Công ty giao trách nhiệm quản lý bảo vệ 2 tiểu khu 744 và 748, với tổng diện tích trên 2.200ha rừng ở địa bàn thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, anh Phùng Chí Mạnh, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, Trạm quản lý bảo vệ rừng ngầm 270, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ia H’Drai, cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích rừng do anh quản lý chỉ xảy ra duy nhất một vụ người dân phát cây bụi khoảng 200m2.

Nhờ phát hiện kịp thời, đẩy mạnh tuyên tuyền tới nhân dân thôn 1, bà con đã tự nguyện ký cam kết không tái diễn vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng. Và điều quan trong hơn, theo anh Mạnh, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người lao động trong đơn vị có thêm động lực để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn:

“Anh em làm rất tốt công việc quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên kiểm tra và giám sát, coi thử hộ nào lấn chiếm vào đất rừng là vận động tuyên truyền cho người ta ra ngoài. Hàng ngày đi quanh và theo dõi quanh mấy tiểu khu mình theo dõi. Anh em làm triệt để”.

Trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở huyện Tu Mơ Rông

Tu Mơ Rông là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Cuộc sống của người dân, với chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ đăng, còn nhiều khó khăn. Do thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu mở rộng diện tích ngày càng tăng và điều này đã gây áp lực lên diện tích rừng tự nhiên.

Để bảo vệ được rừng, không gì tốt hơn là cho người dân thấy lợi ích mà rừng mang lại cho gia đình, cho cộng đồng. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gần 12.000ha rừng ở địa phương này được giao cho trên 800 hộ dân và cộng đồng, thì rừng đã được bảo vệ tốt hơn. 

Ông Mười nói: “Từ ngày có dịch vụ môi trường rừng, ý thức bà con được nâng cao và nó gắn với trách nhiệm, gắn với quyền lợi. Thứ nhất, gắn trách nhiệm với bà con vì bà con giữ rừng để khai thác các loại dược liệu dưới tán rừng. Thứ hai, để trồng các loại dược liệu. Trước đây, bà con ý thức về bảo vệ rừng rất là kém, nhưng từ ngày có dịch vụ rừng, phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng, hoặc là thu nhập những loại cây ở dưới tán rừng, thì từ đó gắn trách nhiệm của bà con hơn. Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện tương đối tốt. Các vụ bà con tự phá rừng không còn nữa”.

Cùng với 23 đơn vị chủ rừng là tổ chức, 74 xã, thị trấn, trên 3.600 hộ gia đình và 22 cộng đồng dân cư ở tỉnh Kon Tum đã được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý diện tích gần 45.000 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Báo cáo của các đơn vị chủ rừng cho thấy, thu nhập hàng năm bình quân của mỗi hộ nhận khoán khoảng 5 triệu đồng, cộng đồng dân cư thôn khoảng 88 triệu đồng và nhóm hộ khoảng 37 triệu đồng.



Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC