Đại diện UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc giao đất giao rừng đã có một số tác động tích cực trong việc tăng thu nhập, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, hạn chế tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, do ngân sách của địa phương còn hạn chế, trong khi trung ương chưa cấp kinh phí, tỉnh chưa thể tổ chức giao rừng ở quy mô lớn cho cộng đồng, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số.
Việc giao rừng cho cộng đồng lâu nay chủ yếu theo các chương trình, dự án thí điểm nên diện tích rất nhỏ so với quỹ đất rừng lớn của tỉnh.
Kiểm tra tình hình giao rừng ở Gia Lai
Quá trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng tại địa phương cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguồn thu của cộng đồng chủ yếu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ ở mức 60.000 đồng/ha/năm, không đủ chi phí, tiền công cho hoạt động bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, nói: “Đến nay, vẫn còn nhiều tồn tại về vị trí pháp lý, quyền lợi, nghĩa vụ, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng như một chủ rừng thực sự. Trong thực tế, cộng đồng dân cư thôn không phải là cấp quản lý hành chính, chủ rừng thực sự nên chưa đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với tổ chức cá nhân, vay tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển rừng.
Các văn bản pháp luật chưa quy định rõ quyền sở hữu rừng đối với trường hợp cộng đồng tự đầu tư phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt, khoanh nuôi đất lâm nghiệp chưa có rừng thành rừng. Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đất đai quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cộng đồng tuy nhiên chưa quy định trách nhiệm, địa vị pháp lý của cộng đồng”.
Thay mặt đoàn giám sát, ông Giàng A Chu, Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đánh giá việc tổ chức triển khai giao đất, giao rừng tại tỉnh Gia Lai tương đối tốt. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đánh giá khách quan những tồn tại, hạn chế để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Với những ý kiến, kiến nghị của địa phương, đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ để xem xét điều chỉnh, sửa đổi cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật cho hợp lý.
Gia Lai hiện có gần 890 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 626 nghìn ha. Giai đoạn 2006-2016, tỉnh đã giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 13 cộng đồng dân cư và nhóm hộ với diện tích hơn 3.900 ha trong tổng diện tích dự kiến là 11.400ha. Đối với giao đất, giao rừng cho hộ gia đình dân tộc thiểu số, đến nay, tỉnh Gia Lai chưa thực hiện.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận