Nâng cao nhận thức đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thứ hai, 00:00, 23/10/2017


VOV4.VN - Cần phải nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia tự nguyện, mở rộng đối tượng thuộc hộ nghèo, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ và mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện - ý kiến được đưa ra tại Hội thảo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình vừa được tổ chức sáng nay 21/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức.

 

Có thể thấy bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 trụ cột chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với 6 tỉnh Tây Bắc, giải quyết hầu hết các vấn đề an sinh xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền lợi sức khỏe, đảm bảo an toàn chất lượng cuộc sống trọn đời và là điểm tựa cần thiết giúp Tây Bắc phát triển theo hướng bền vững, nhất là trong giai đoạn đổi mới hội nhập như hiện nay.

Tính đến thời điểm 30/9/2017 tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tại Tây Bắc là trên 4.400.000 người, chiếm tỷ trọng khoảng 5,6% so với cả nước. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhất đảm bảo an sinh xã hội tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội. Đến cuối năm 2017, toàn vùng còn 26,5% hộ nghèo, giảm 3,4% so với năm 2015.

Ông Phạm Lương Sơn (thứ hai bên trái) trao 100 triệu đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn khó khăn của tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nổi lên như người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thiếu thông tin về chính sách pháp luật, tập trung ở các đối tượng người lao động tự do ở khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp, việc làm không ổn định; người lao động chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già, hạn chế trong một số chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; mạng lưới đại lý còn ít, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã tham gia đóng góp vào việc khắc phục khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm tại Tây Bắc. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng giải pháp cần hiện nay để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình thì đầu tiên cần phải nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia tự nguyện, mở rộng đối tượng thuộc hộ nghèo, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ và mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó ngoài việc tập trung phát triển hệ thống mạng lưới đại lý đến từng thôn, bản, tổ dân phố thì chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần phải đôn đốc, hướng dẫn người lao động, đặc biệt là các lao động hợp đồng dưới 3 tháng, người làm việc theo hợp đồng khoán việc, thuê việc… Chỉ khi đó các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mới phát huy tối đa hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng cao, đảm bảo cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Nhân dịp này Bảo hiểm xã hội Việt Nam tặng tỉnh Điện Biên 100 triệu đồng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn mua bảo hiểm y tế.

 

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC