Đưa rượu cần du xuân
Thứ sáu, 00:00, 23/02/2018
VOV4.VN - Bà con người M’nông, người Mạ đã biến rượu cần – thứ thức uống của buôn làng, thành sản phẩm hàng hoá có giá trị, đặc biệt là trong mỗi dịp lễ tết. Những năm gần đây, loại rượu đặc trưng này đã ra Bắc, vào Nam, mang thêm hương vị mới lạ cho ngày tết cổ truyền, từng bước tạo thương hiệu sản phẩm du lịch cho Đắc Nông.

 

Cận tết, nhà bà H’rung (bon N Jriêng, xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa) tấp nập người ra vào mua rượu cần. Người ít thì mua một ché, người nhiều thì vài ba ché. Bà H’rung cho biết rượu được ủ hoàn toàn tự nhiên. Từ mấy tháng trước, bà phải vào rừng lấy rễ doong (một loại cây thân leo, rễ cây màu vàng nghệ), về phơi khô để làm men.

Gạo truyền thống của bà con được nấu chín, để nguội. Men rượu giã nhỏ, trộn đều với nếp, qua một đêm, mở ra thấy có mùi thơm ngào ngạt thì cho vào ché, lấy lá chuối khô đậy chặt rồi mang cất vào nơi râm mát. Khoảng một tháng sau là rượu chín, nhưng để càng lâu thì càng thơm ngon, nước rượu càng ngọt, thơm nồng.

Vào dịt tết, rượu cần được bán với giá từ 250 nghìn - 2 triệu đồng/ché

Những năm gần đây, mỗi dịp tết hay lễ hội, bà H’Rung thường ủ tới vài trăm ché rượu mà vẫn không đủ để bán: “Làm rượu cần qua nhiều công đoạn và thời gian ủ lâu, ít nhất là 1 tháng sau mới dùng được. Tôi bán được là nhờ các bạn của tôi giới thiệu, buôn làng cũng hay mua vào dịp đám cưới đám hỏi. Các ngày hội văn hóa của thị xã thì họ phải đặt thì tôi mới làm kịp. Tôi hay làm ché vừa và nhỏ để hợp túi tiền mọi người”.

Bà H’Mai (ở bon Srếu, xã Đắc Nia), cho biết, mấy năm nay nghề nấu rượu cần hồi sinh, không chỉ phục vụ người dân địa phương mà cả khách thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Cần Thơ, thậm chí ở các tỉnh phía Bắc cũng đến đây mua rượu.

Mỗi dịp tết, gia đình bà ủ trước khoảng 500 ché để rượu đủ độ chín, nước rượu ngọt và vị cay nhẹ nhàng. Giá cả thì có nhiều loại, mỗi ché rượu nhỏ (10 lít) là  250.000 đồng, với ché lớn (50 lít) có khi lên đến 2 triệu đồng. Riêng những ché rượu được ủ hơn 1 năm, rượu vàng và ngọt như mật ong, mỗi ché rượu 10 lít giá bán lên đến cả triệu đồng.

“Từ ngày tổ chức lễ hội văn hóa của thị xã, kiếm người làm rượu cần không có, mà để cúng thần rừng, thần núi cần thiết phải có rượu cần. Dân mình ngày xưa ở đây đi phát nương rẫy nên mới có lúa gạo, mới làm được. Bây giờ làm tiêu, cà phê nhiều, không có gạo lúa trồng nên không làm rượu cần nữa. Mình làm để duy trì bản sắc của đồng bào mình” - bà H'Mai bảo.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Nia, cho biết, dân ở xã chủ yếu là dân tộc M’ Nông và Mạ. Rượu cần ở địa phương đã phần nào tạo được thương hiệu riêng, với cách ủ truyền thống cùng loại men lá rừng đặc biệt nên được nhiều khách hàng gần xa tìm đến.

Vào dịp lễ tết, thị trường rượu cần lại càng nhộn nhịp. Nhiều gia đình, văn phòng đặt mua để làm quà biếu hoặc thưởng thức. Theo bà Ngọc: “Việc sản xuất rượu cần cơ bản làm giàu cho các hộ gia đình, cá nhân có nghề truyền thống, và họ cũng đã lưu giữ được nghề của gia đình. Xã sẽ định hướng cho các gia đình này tổ chức truyền dạy lại cho các thế hệ sau để lưu truyền nghề sản xuất rượu cần”.

Chất men rượu cần của bà con ở Đắc Nông đã làm say lòng nhiều du khách gần xa.

 

 

 

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC