Nét văn hóa độc đáo của người Tày Bình Liêu
Thứ sáu, 00:00, 16/10/2020 HH BTCT + 2 ảnh HH BTCT + 2 ảnh
VOV4.VN - Là cư dân bản địa, sinh sống lâu đời trên mảnh đất Bình Liêu, Quảng Ninh, người Tày tập trung ở những thôn, bản vùng thấp, nơi gần sông, gần suối, nơi có những mảnh ruộng màu mỡ để tiện sinh hoạt cũng như canh tác lúa nước.

Cư dân Bách Việt

Do cư trú ở nơi có đất bồi với những chân ruộng nhiều phù sa, cùng với những tri thức dân gian trong việc trồng lúa nước, từ xa xưa người Tày đã sở hữu những cánh đồng rộng lớn như Nà Bản, Nà Áng, Bản Chuồng… 
Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của các loại máy móc như máy cày, máy bừa và các loại hóa chất, đồng bào Tày vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác nên vụ mùa của giống lúa bao thai – giống lúa địa phương có thể chịu sâu bệnh tốt, luôn cho năng suất lớn.

 


Ông Tô Đình Hiệu - Phó Giám đốc Trung Tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu và con gái trong trang phục truyền thống của đồng bào Tày ở Bình Liêu

Ông Tô Đình Hiệu – Phó GĐ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, sau khi gặt xong vụ mùa, đồng bào thường đốt gốc rạ. Mục đích để cho chứng của các loài sâu bọ bị tiêu diệt. Đồng thời nó sẽ tạo độ màu mỡ cho đất. Đốt xong, họ tiến hành cày ruộng phơi ải. Đất ruộng sẽ được phơi trong suốt mùa đông giá rét cho đến khi khô nỏ. Đất chuyển sang màu trắng đục.

"Ăn Tết xong, đồng bào sẽ làm mương để tháo nước vào ruộng. Đất khô gặp nước sẽ bở tơi ra được bừa qua một lượt rồi ngâm cho ngấu, đến mùa cấy ruộng lại được bừa, cấy thêm một lần nữa. Các công đoạn làm đất như vậy góp phần tiêu diệt chứng sâu bọ, tiêu diệt mầm bệnh có hại cho cây lúa, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đấy là những tri thức làm nên những cánh đồng màu mỡ của đồng bào Tày trước đây".
Các xã như Vô Ngại, Lục Hồn, Đồng Tâm… là nơi có đông đồng bào Tày sinh sống. Trong truyền thống, trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, nhuộm chàm là nghề chính của người phụ nữ để tạo ra bộ trang phục cho gia đình. Từ những thước tơ vàng óng, họ tạo ra những bộ áo mặc đi làm, lên nương, xuống chợ, đi hội… Người con gái Tày trước đây khi lấy chồng đều được mẹ dệt cho tấm màn tơ làm tấm hồi môn quý giá. 
"Trang phục thể hiện nhóm cư dân Bách Việt là người Tày ở Bình Liêu trồng dâu nuôi tằm. Từ tơ tằm đó họ tạo nên trang phục cho mình. Cùng với đó người Tày ở Bình Liêu còn có tri thức lấy củ nâu, chàm, rồi nhuộm vải của họ để giữ được độ bền. Điều đấy nó gần với đặc điểm của cư dân Bách Việt".
Cũng theo ông Hiệu, còn nhiều điều khác ở cư dân Tày huyện Bình Liêu nằm trong đặc điểm chung của người Bách Việt như tục ở nhà sàn, ăn trầu, bịt răng vàng, răng bạc, cách thức chôn người chết sau khi sang cát ở tư thế ngồi...


Đàn tính vẫn được truyền đời trong gia đình người Tày ở Bình Liêu. 

Đặt tên bản theo cách đặc biệt
Sống tập trung thành từng làng, bản, người Tày ở Bình Liêu có một cách đặt tên cho nơi mình sinh sống theo cách đặc biệt. Đó có thể là dùng tên của các loài cây đặc trưng nơi đồng bào ở như bản Cốc Lồng – tức cây đa; bản Cốc Đốc – tức bản có cây tre vầu; bản Nà Lìu – tức bản có cây quất rừng. 
Cũng có khi đồng bào gọi tên bản mình theo đặc điểm tự nhiên như bản Khuổi Luông là bản suối lớn ở xã Vô Ngại; bản Chang Nà là bản ở giữa ruộng; bản Nà Làng ruộng có đặc điểm như cái máng; hay bản Nà Khau có ruộng ở đồi, hoặc bản Phiêng Tắm là bản bằng phẳng và thấp...
Đôi lúc, đó lại là bản được đặt tên theo tên của ngọn núi, khe suối nơi đồng bào cư ngụ như Khuổi Và, Khuổi Bốc, Khau Phưởng… Thậm chí, những gì gắn liền với truyền thuyết dân gian cũng được bà con lấy để đặt tên cho bản, cho làng mình như bản Mạ Chạt – tức bản con ngựa trượt, đặt theo truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Tày.
"Theo truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Tày Hoàng Cần, cưỡi ngựa đến đây ngựa nhảy sang bên kia núi, trượt chân. Người Tày lấy tên ở trong truyền thuyết để đặt tên bản của mình. Dấu vết để lại có một vết trượt ở núi đấy, nó không có cây mọc lên, nên bà con  đặt tên như vậy". - Ông Hiệu nói.
Theo nghiên cứu của ông Tô Đình Hiệu, xa xưa, mỗi thôn, bản đều có những quy định liên quan đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sản xuất cũng như sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các bản người Tày đều đã xây dựng những quy ước riêng liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, từ việc bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, bảo vệ mùa màng đến thực hiện nếp sống mới trong ma chay, cưới xin. Quan hệ cộng đồng là đặc trưng nổi bật trong các xóm bản của người Tày. 
Giữ gìn tín ngưỡng làng xã thuở ban sơ
Mỗi bản được phân định bằng con suối, cánh rừng, tảng đá, đỉnh núi… Bản có một nguồn nước chung, khu rừng, nghĩa địa, vùng núi săn bắn, những vùng đất canh tác của các thành viên trong làng. 
Người già kể, trước đây mỗi bản thường có một ngôi đình làm nơi thờ thành hoàng của bản, là nơi sinh hoạt chung, nơi hội họp, tiến hành các lễ nghi tín ngưỡng, nơi vui chơi, giải trí của cả bản. Dấu tích còn lại là có những khu ruộng được gọi là Pò Đình (có nghĩa là cái gò có đình) như ở bản Nà Phạ, xã Tình Húc cũ. 
Ngày nay, mỗi bản làng người Tày vẫn còn có miếu thờ thành hoàng của bản, nơi đó là một gốc cây cổ thụ, các ngày lễ tết cả bản ra đó thờ cúng.
Ông Tô Đình Hiệu cho biết, tùy vào đặc điểm cấp độ cư trú từng nhóm bản, từng bản hay từng xã người Tày hình thành nên nét tín ngưỡng riêng biệt.
Đối với một gia đình hoặc một nhóm gia đình nào đó trong bản, họ có một vị thần mang tên Phi tỳ là vị thần bảo trợ cho mình. "Vị thần này không có tên cụ thể, thường được thờ ở một góc cây gần nhà hoặc một nhóm nhà. Các gia đình sẽ cúng phi tì vào chiều 30 Tết". 
Những gốc cây này trong tâm linh của đồng bào là cây “thiêng”, không được đụng đến. Cúng lễ tuy đơn giản nhưng khi thực hiện phải thật trang trọng, tôn nghiêm.
Ở cấp độ bản, đồng bào Tày cũng có một vị thần riêng, bảo hộ cho cả bản với tên gọi Phi thó. Cũng là vị thần được thờ tự dưới gốc cây cổ thụ, nhưng khác với Phi tỳ, vị Phi thó này được bà con lập lều một mái để thờ.
"Mỗi bản có một nơi duy nhất để thờ Pi thó. Pi thó là là vị thần để cho người Tày gửi gắm ước nguyện của mình. Vào tháng Giêng khi đến lễ Pi thó người Tày sẽ cầu sức khỏe cho con người, cầu sự sinh sôi nảy nở. Còn lễ Phi thó vào tháng 2, bà con cầu cho ruộng nương, cầu cho mùa màng tươi tốt. Cúng thần con gà sống thiến luộc, rượu, vàng hương". 
Ở cấp độ xã, người Tày cũng có một vị thần cai quản toàn xã. Vị thần này lớn hơn Phi tỳ, Phi thó và có tên gọi là Phi đình. Dịp cúng tế thần là một ngày lễ lớn của cả cộng đồng người Tày trong xã. Phi đình được người dân tôn thờ để gửi gắm ước vọng bình an cho nhân dân.

Đỗ Quyên/VOV4


HH BTCT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC