Ngôi nhà tàu lửa của người Kor
Thứ ba, 00:00, 04/08/2020 HH BT CT + 2 ảnh HH BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Ngôi nhà của người Kor thường được ví là những ngôi nhà tàu lửa. Trà Bồng, Quảng Ngãi là nơi cư trú chính của dân tộc Kor.

Ở nhà dài

Đồng bào thường làm nhà ven sông suối hay trên lưng chừng núi. Bà con ở nhà sàn dài tức nhà dài, hay còn gọi là nóc. Trong đó có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống chung sống với nhau.


Một lễ hội của người Kor. Ảnh: Cao Chư

Truyện cổ của người Kor còn ghi lại: xưa kia, người Kor vốn ở trong hang đá. Một ngày, khi những đàn ông trong gia đình đi săn, họ bắt được con nai nhỏ nhưng lại bị các con hổ xung quanh đuổi bắt. Hổ nói với con người rằng, nai là con vật thuộc sổ hữu của hổ, không một loài vật nào, kể cả con người được bắt. Thấy vậy mọi người tập hợp nhau lại chống trả quyết liệt, không cướp được nai hổ đành bỏ chạy vào rừng và để lại lời đe dọa: năm sau chúng sẽ quay lại và tiêu diệt cả làng. Nhận thấy hiểm họa rình rập, người Kor bèn bàn với nhau rằng cần phải làm một ngôi nhà chung để mọi người cùng sống, cùng bảo vệ nhau trước kẻ thù. Nhà dài ra đời vì lẽ đó.

"Sự xuất hiện của ngôi nhà nó mang hai yếu tố: Một là trí tuệ người ta phát triển để người ta đối phó với thú dữ. Thứ hai, người ta cắt nghĩa được việc tại sao người ta lại ở chung với nhau. Cả một làng là một ngôi nhà. Cái chỗ này tôi thấy cả Việt Nam chỉ có một vài dân tộc có kiểu sinh hoạt cả một làng có thể chỉ một ngôi nhà thôi. Cũng nên nhớ hồi xưa, bên cạnh thú dữ, giặc cướp cũng là một nguy cơ đối với các dân tộc, các làng. Cho nên khi dựng làng, người ta vừa tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, trong sinh hoạt đồng thời cũng là để cùng nhau chiến đấu chống lại những toán cướp của các bộ tộc ở xa đến. Chính thế người ta làm nhà chung cho cả một làng. - Ông Cao Chư, Phó GĐ Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phân tích.


Bộ gu trên cây nêu của người Kor. Ảnh: Cao Chư

Nhà dài của người Kor thường có khoảng 30 – 40 hộ gia đình sinh sống. Mỗi ngôi nhà dài được gọi là một ngôi làng của người Kor. Đứng đầu là già làng, người cao tuổi nhất và có uy tín, chỉ huy mọi việc trong làng và cùng bàn bạc với những vị lớn tuổi khác để quyết định công việc. Tên làng thường được đặt theo đặc điểm nơi mà người dân trong làng sinh sống.

Ông Hồ Văn Biên, người Kor ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết, con cái muốn ra ở riêng, ông già làng cho phép chọn ngày lành dọn ra. "Ở riêng là người ta ngăn đã. Khoảng 1 năm người ta coi thử như thế nào. Một năm sau, khi có con cái, ổn thỏa, muốn làm một nhà riêng là người ta phải nối. Trong làng phải giúp chặt cây, chặt đồ để làm riêng. Hồi xưa không có tính làng một, làng hai, người ta tính thôn. Ví dụ người ta nói vùng đấy là nước gì, dựa theo núi gì là đặt ra cái làng dựa theo nó. Như chú đây ở thôn Bắc, ở dưới nước mương, họ nói là ở cái làng nước mương. Họ ví người ta uống cái nước đó hoặc ở cái đất đó". 

 

Bộ Gu trong nhà
Nhà được chia dọc làm hai phần, một nửa chạy dọc suốt từ cầu thang đầu hồi bên này tới đầu hồi cầu thang bên kia gọi là gưl tức nơi sinh hoạt cộng đồng hay nhà khách. Phần còn lại gọi là tum, là nơi sinh hoạt riêng của từng gia đình. Ở giữa là hành lang chung. Nhưng ấn tượng nhất khi bước vào ngôi nhà dài của người Kor chính là bộ Gu, thường được dùng trong lễ ăn trâu, là di sản riêng có của dân tộc Kor. Gu có gu pi và gu pô thể hiện giống nòi, sự sinh tồn của dân tộc được treo giữa nhà, có con chim đại bàng lớn được khắc vạch các hoa văn đỏ, trắng trên nền đen. Gu dẹt hay la vang treo ở cửa trước tum. Trên la vang là cả một bức tranh liên hoàn, trong đó có vẽ các hình ảnh, hoa lá, sinh hoạt rất đặc thù.
"Gu có cả một cái bộ treo ở ngay giữa nhà, gọi là gu tròn, ở giữa có một cái trụ vuông, bốn mặt bằng nhau. Làm bằng gỗ búp, ít gân thớ, mềm nên người ta khắc vạch được. Một gu treo ở đằng trước cửa vào nhà chung, gọi là gu a tứ. Một gu dẹt, tức một miếng gỗ dẹt treo ở trước cửa vào mỗi gia đình. Người ta gọi là gu moóc tum. Còn cái gu thứ 4 là gu tum, tức là gu treo ngay trên gian bếp nấu nướng. Người ta nói khi làm lễ ăn trâu lúc mời thần về nhà mình, thần về ngự ở nhà mình, mình phải trang trí cho nó đẹp. Trang trí đẹp để mà đẹp lòng cho thần. Gu a tứ người ta khắc vạch những con thú trong rừng, gu treo trước cửa bếp khắc cây lúa, cây quế, cảnh con nai, con hổ, con beo, con heo rừng, con chim, cảnh đi lấy mật ong. Gu móc tum nằm ở trong nhà có hoa văn hình học, mô tả cả cảnh ăn trâu". - Ông Chư cho hay.


Tabon trong những ngôi nhà dài
Xung quanh ngôi nhà dài, đồng bào Kor thường dựng hàng rào bằng lồ ô hay cây rừng được vót nhọn để chống thú dữ và ngăn chặn cướp. Trước mỗi cổng vào làng, người ta thường treo một cái máng rỗng. Mỗi khi trong làng có động hay biến cố, người ta sẽ gõ báo động và cả làng sẽ cùng nhau ứng biến. Tính cố kết cộng đồng của người Kor bền chặt, gắn bó trong những nóc nhà dài như thế. Nên dù có 30 hay 40 hộ trong một nóc nhà, người Kor không bao giờ có những xích mích, cãi vã hoặc tranh chấp. Ngày họ cùng nhau vào rừng săn bắt, lên nương tỉa bắp, trồng rau. Tối đến, họ tập trung tại nhà gưl để cùng sinh hoạt cộng đồng như đấu vật, đấu tay hay nghe người già kể chuyện, hay còn được gọi là kể tabon. 

"Người ta kể tabon giống như mình kể chuyện cổ tích, tuy nhiên ở đây không chỉ để giải trí mà đó là nhận thức. Đó là truyền lại những nhận thức về thế giới, nhận thức về đất nước, về non sông, về quê hương, nhận thức về sự hình thành của con người và xã hội. Chính cái đó nó làm cho con người hiểu được xứ sở quê hương mình là cái gì. Trời là gì, đất là gì, non sông ở đâu mà có. Có những cái chuyện người ta kể với tinh thần nhân văn. Tabon có khả năng là trại âm của từ hơ mon của các dân tộc khác. Ở đó tính nguyên hợp của một văn hóa dân gian thể hiện rất đầy đủ, đậm nét.
Không chỉ thể hiện nhận thức của người Kor về thế giới, những đêm kể tabon của người già còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc như lời của anh Hồ Văn Vương, một người Kor ở huyện Trà Bồng: "Ông già làng kể rất nhiều. Bên dưới, bên trên tập trung hết để nghe kể chuyện. Chuyện của ông già làng là mình đừng bỏ phong tục tập quán, phải giữ gìn tập quán của dân tộc. Đó là danh dự của già làng, rất quan tâm, biểu con cháu, cô bác phải gìn giữ truyền thống của dân tộc"...

Thu Cúc/VOV4

 
HH BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC