Nhà gạch đất của người Tày chống chọi thời tiết
Thứ hai, 00:00, 07/12/2020 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Quảng Ninh là nơi có đông đồng bào Tày sinh sống. Nếu có dịp đến với Bình Liêu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những nếp nhà truyền thống của bà con người Tày. Những ngôi nhà gạch đất, mái ngói âm dương vững chãi, rêu phong, điểm tô vẻ đẹp bình yên cho mảnh đất biên cương của tổ quốc.




Người Tày có 2 kiểu nhà gạch đất

Quảng Ninh có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh và khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 10. Bình Liêu cũng chịu ảnh hưởng của đặc điểm khí hậu này nên người Tày nơi đây chủ yếu cư trú trong những ngôi nhà xây bằng đất. Kiến trúc nhà gạch đất có đặc tính mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đồng thời đủ kiên cố để chống chọi với mùa mưa bão.

Theo ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu, tùy vào địa hình mà ngôi nhà đồng bào Tày có 2 kiểu kiến trúc chính là nhà đất có sàn và nhà gạch đất.
Loại nhà gạch đất có sàn là loại nhà phổ biến của người Tày ở Bình Liêu. Gạch đất là nguyên liệu chính để xây nhà. Móng nhà được kê bằng đá, lợp cỏ tranh, phên bằng vách nứa đan.


Cận cảnh ngôi nhà xây bằng gạch đất của anh La Văn Thủ, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn, Bình Liêu. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Nhà sàn gạch đất của người Tày ở Bình Liêu có 3 gian. Gian chính có 3 phần: dưới cùng là nơi để nhốt gia cầm và để nông cụ, có cửa ra vào ở hai bên. Phần giữa là nơi thờ tự và là nơi ở chính của các thành viên trong gia đình, được chia như sau: ½ của gian phía ngoài (chính giữa để bàn thờ, bên trái là sập gỗ để tiếp khách, bên phải là buồng ngủ của chủ nhà). ½ gian phía trong, được ngăn bằng gỗ gồm: chính giữa là bếp lửa để sưởi ấm mùa đông, nơi sinh hoạt chung của gia đình, phía tay trái gồm ba buồng ngủ của mẹ và các con gái, phía bên phải là buồng ngủ của các con trai. Phần thứ ba là gác phía trên bếp lửa (chính giữa nhà), gác bằng tre, nứa. Là nơi để hạt giống và lương thực.
Phía trái có cửa và thang đi xuống gian bếp, là nơi nấu nướng, ăn uống của cả nhà. Nhà bếp thấp hơn nhà chính vì mặt sàn được tính từ sàn dưới cùng của nhà chính.
Ngay cửa gian nhà chính có sàn cao ngang với sàn nhà (trên gầm nơi ở của gia súc và để nông cụ). Sàn được ghép bằng tre hoặc gỗ. Có cầu thang hai bên để lên nhà, dưới chân cầu thang có chum nước để rửa chân.

Kiến trúc kết cấu từ cây, lá và đá

Ngoài loại nhà đất có sàn, người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh còn một loại hình nhà nữa, đó là nhà gạch đất lợp ngói âm dương. Kiến trúc nhà hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên là cây, đất và đá.
"Vật liệu để hình thành nên cái ngôi nhà đất này là hoàn toàn là những vật liệu có ở khu người Tày ở. Móng nhà được làm bằng các đá lấy từ các bãi ở bờ sông. Gạch của người Tày lấy từ bùn ở ruộng. Sau khi gặt vụ mùa xong, người ta thả nước vào ngâm ruộng cho thật ngấu, sau đó dùng trâu để trộn đất cho nhuyễn. Rồi đóng thành từng viên gạch khuôn. Toàn bộ xà nhà hay cột nhà hoặc cả những chiếc đinh đều được lấy từ gỗ, từ tre, nứa ở trong rừng hoặc ở nhà trồng được". - Ông Hiệu nói.
Trong những nghiên cứu của mình, ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, người Tày ở Bình Liêu không dùng vữa xây nhà, họ gắn kết những viên gạch làm từ đất bằng chính loại bùn được nhào nhuyễn ở dưới ruộng. 
Nhà gạch đất thường lợp ngói âm dương. Loại ngói này thường được làm từ đất sét đỏ. Sau khi được đúc từ khuôn, người ta sẽ nung cái ngói này trong 3 ngày đêm. Và bằng kinh nghiệm người ta biết, khi ngói ngả màu nâu ấy là lúc ngói đạt đến độ chín bền, có thể dùng để lợp nhà.

Người Tày ở Bình Liêu có câu nói: làm ăn xem phần mộ, ở tốt xem nền nhà, ý nói việc chọn đất làm nhà rất quan trọng. Ở Bình Liêu, các bản làng người Tày tập trung dưới chân núi, ở các thung lũng. Họ thường chọn nơi đất bằng phẳng, cao ráo, gần nguồn nước, gần ruộng để làm nhà. 
"Họ tập trung ở những thôn, bản vùng thấp nơi có những mảnh ruộng màu mỡ, gần với bờ sông, bờ suối, tiện với việc sinh hoạt của người Tày và tiện cho họ có phương thức canh tác trồng lúa nước".

Dẫn: Thưa quý vị! Người Tày hiếu khách. Nếu một ngày bạn đến bản người Tày chơi hãy bỏ túi một vài lưu ý để trải nghiệm của bạn thêm trọn vẹn.
Cầu thang lên nhà sàn đồng bào Tày ở Bình Liêu thường có 5 – 9 bậc, được làm gỗ chắc, bào nhẵn. Người Tày quan niệm, mỗi bậc cầu thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ. Khi đón khách quý, chủ nhà sẽ xuống tận chân cầu thang mời khách lên nhà. Chủ theo sau khách bảo vệ, hướng dẫn khách đến chơi.
Vào nhà người Tày chớ lớn tiếng nơi thiêng

Gia đình có người sinh nở, đồng bào Tày rất kỵ người lạ vào nhà. Để nhận biết, họ sẽ cắm cành lá hoặc chăng một mảnh lưới rách đánh cá qua cửa. Khách biết ý sẽ không vào. Nếu có việc thật quan trọng khách sẽ đứng ở dưới sàn gọi chủ nhà ra gặp.
"Đồng bào quan niệm, khi một đứa trẻ mới sinh ra còn rất non nớt. Cho nên, cần phải tránh các vía xấu, tránh tất cả những điều từ bên ngoài xâm nhập vào. Việc chăng một mảnh lưới rách lên trước cửa đồng bào quan niệm: mảnh lưới đấy có tác dụng ngăn chặn tà ma, ngăn chặn các thế lực xấu ở bên ngoài xâm nhập vào nhà của mình. Còn việc cắm thêm một cái cành lá cũng mang một tính chất thông báo. Mục đích cuối cùng là để bảo vệ cho đứa trẻ đấy bình yên". 
Gian thờ của người Tày thường đặt ở chính giữa, đó là nơi mình sẽ tiếp khách. Khách vào thường rất ý tứ ở chỗ, không to tiếng, không quát mắng. Họ hàm các công việc đều rất kính cẩn.
Nếu có dịp dự lễ vào nhà mới của người Tày ở Bình Liêu, bạn coi như một vị khách may mắn. Bởi bạn sẽ được chứng kiến một nghi lễ long trọng của người Tày. Đây cũng là dịp gia chủ cảm ơn những người đã giúp đỡ mình dựng ngôi nhà mới. Người đến nếu có thì mang theo chai rượu, bò gạo, hoặc tặng những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như bát, đĩa… Nếu không, thì lời chúc tốt đẹp cũng khiến gia chủ ấm lòng. Chỉ cần bạn đến chung vui, bà con đã lấy đó là một niềm tự hào, may mắn.

Thu Cúc/VOV4 (Ghi)

 
 
 

 

 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC