Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030
Thứ năm, 11:00, 24/11/2022 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
VOV4.VOV.VN - Việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và từ các nhà tài trợ, các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy Ban Dân Tộc Hầu A Lềnh nhận định như vậy tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, diễn ra sáng nay (24/11) tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng việc triển khai hiệu quả thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế bộ máy tổ chức thực hiện.

Tham gia Hội thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành, lãnh đạo các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ là Chương trình lớn, mang tính chất tổng thể, tác động đến nhiều mặt đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chỉ riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 1, từ 2021 – 2025 đã lên tới 137 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120 ngày 19/6/2022. Trong đó, xác định cần đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt, ưu tiên phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA trong thực hiện chương trình này. Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, tôi kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc bổ sung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển khai chương trình dân tộc miền núi, kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan chủ trì Chương trình, Bộ trưởng Hầu A Lềnh  cam kết, Ủy Ban Dân Tộc sẽ tăng cường phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, các cộng đồng doanh nghiệp trong nước để nghiên cứu những giải pháp, cách làm sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình dân tộc miền núi; đặc biệt chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số triển khai thực hiện chương trình.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Stefani Stallmeister, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khẳng định Việt Nam đã có nhiều thành công trong lĩnh vực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngân hàng thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ những thay đổi về quy định và chính sách để có thể triển khai một cách hiệu quả từ phía chính phủ. Ngân hàng thế giới cũng sẽ luôn tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Uỷ ban Dân tộc để có thể triển khai chương trình hiệu quả, bao gồm đẩy mạnh việc chuyển đổi số và cải thiện phản hồi của các đối tượng thụ hưởng các chương trình./.

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC