Tăng cường kết nối biển - rừng, Đắk Lắk phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, văn hóa
Thứ hai, 06:03, 07/10/2024 H'Xíu/VOV Tây Nguyên H'Xíu/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Xác định du lịch sinh thái, văn hóa là thế mạnh, tỉnh Đắk Lắk đã và đang có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, qua đó, giữ vững tốc độ tăng trưởng trên 15% mỗi năm. Nhằm cung cấp thêm thông tin cho độc giả về tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới, phóng viên H'Xíu, phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây nguyên phỏng vấn bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk.

 

 

PV: Thưa bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, du lịch Đắk Lắk vốn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn trọng thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững và đang gặt hái được nhiều quả ngọt. Vậy địa phương đã có những định hướng phát triển như thế nào trong thời gian qua? 

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu: Đắk Lắk đã xác định thế mạnh của mình là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Với 49 dân tộc cùng sinh sống cũng là một thế mạnh tạo ra lợi thế so sánh cho Đắk Lắk với các địa phương khác, tạo ra nhiều sản phẩm hơn để thu hút khách đến với địa phương.

Tỉnh ủy đã ban hành đề án về phát triển du lịch, đây là cơ sở để các ngành, các địa phương tập trung triển khai phát triển 3 trụ cột chính về du lịch, gồm có thành phố Buôn Ma Thuột, Lắk và Buôn Đôn. Các huyện, thị xã xung quanh sẽ là các vệ tinh hoạt động hỗ trợ, xây dựng các chương trình, các tour tuyến.

Đắk Lắk nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thì cũng cam kết với UNESCO về bảo tồn cồng chiêng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về cồng chiêng, nghị quyết hỗ trợ đồng bào các thôn, buôn phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung các nguồn lực, các dự án, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy có trọng điểm về du lịch để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển sản phẩm du lịch.

PV: Thời gian qua, việc phát triển du lịch theo định hướng phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn trọng thiên nhiên đã có hiệu quả ra sao thưa bà?

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu: Hằng năm thì tốc độ tăng trưởng về du lịch, cả thu nhập từ du lịch và khách du lịch đều vượt khoảng từ 10 – 15%, kể cả khách nội địa và khách quốc tế. Mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 -2025 vượt so với kế hoạch đề ra.

PV: Phát triển du lịch sinh thái và văn hóa dựa trên thế mạnh sẵn có, trong khi nhiều tỉnh thành khác cũng đang làm theo hướng này, vậy tỉnh Đắk Lắk làm thế nào để giới thiệu được những bản sắc riêng của địa phương đến với du khách, thưa bà?

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu: Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh đặt ra vấn đề liên kết, hợp tác với các địa phương, thì tỉnh tập trung chọn những địa phương có thế mạnh du lịch  và có đường bay nối với Đắk Lắk. Hiện nay tỉnh đã hợp tác với 14 tỉnh, thành phố và một hiệp hội tại khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì có hợp tác, liên kết nên trong các chương trình xúc tiến quảng bá thì cùng xây dựng những chương trình tập trung phát huy sức mạnh của biển với rừng. Đối với thị trường khách quốc tế thì thông qua các đầu mối như Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để mà thu hút khách đến với tỉnh. Chủ động kết nối, tham gia các sự kiện ngoại giao để quảng bá hình ảnh, thế mạnh về văn hóa, con người Đắk Lắk đến với các địa phương.

PV: Vâng như bà vừa chia sẻ thì phát huy thế mạnh mỗi địa phương, kết nối biển - rừng để bổ sung cho nhau là cách mà Đắk Lắk liên kết thúc đẩy phát triển du lịch. Vậy riêng nội tại tỉnh Đắk Lắk sẽ nâng cao công tác du lịch như thế nào để thu hút và giữ chân du khách, thưa bà?

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu: Sở cũng định hướng cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng sản phẩm mới dựa trên gốc văn hóa để tạo sự mới mẻ, khác biệt. Nâng cao chất lượng về quản lý nhà nước, tổ chức đào tạo, tập huấn cho nguồn nhân lực tại địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đẩy mạnh hoạt động của hiệp hội du lịch, thành lập các chi hội ngành nghề trực thuộc hiệp hội, phát huy thế mạnh của các lĩnh vực khác, thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch hoặc các giải thể thao mà Đắk Lắk đăng cai để thu hút khách đến với địa phương.

Trong tháng 10 này, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đăng cai hội nghị đánh giá quá trình liên kết hợp tác, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác trong giai đoạn mới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, Hiệp hội du lịch Đắk Lắk cũng sẽ thành lập thêm 2 chi hội nữa, là chi hội Khách sạn – ẩm thực và chi hội Lữ hành, phát huy thế mạnh phát triển du lịch tại địa phương.

 PV: Vâng, xin cảm ơn bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk./. 

H'Xíu/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC