Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số Bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tổ chức.
Tham gia ngày hội có khoảng 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng và đại biểu các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo ngày hội vào tối 29/11, thay mặt Đảng, Nhà nước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng Tây Nguyên. Từ khi đổi mới đến nay đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này. Ngày 6/10/2022 Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định “Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng”.
“Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng và chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 sẽ thực sự trở thành điểm hội tụ, lan tỏa, là dịp để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh, con người, vẻ đẹp hùng vỹ và văn hóa các dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, thu hút phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng". - Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Sau phần Lễ diễn ra trang trọng, phần Hội với Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng trong lòng người dân và du khách.
Cùng với khoảng 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc 5 tỉnh giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa đậm sắc màu Tây Nguyên, trong Lễ khai mạc, lần đầu tiên công chúng được thưởng thức màn trống hội “Âm vang núi rừng Tây Nguyên” do 500 chiến sỹ Học viện Cảnh sát Nhân dân trình diễn và tiết mục Biểu diễn nhạc kèn của gần 100 chiến sỹ Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.
Từ xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đến tỉnh Kon Tum tham gia ngày hội, nghệ nhân Ka The, dân tộc K’Ho hào hứng: “Cảm ơn Ban tổ chức đã tạo ra sân chơi này. Đây là nơi hội tụ tất cả những tinh hoa văn hóa của tất cả các dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên này. Đây là nơi hội tụ để gặp gỡ, để giao lưu văn hóa để biết thêm những phong tục, những đặc sắc của từng dân tộc. Chúng tôi mang đến đây trang phục, những bài nhạc dân ca của người K’Ho, rồi những món ăn để mình giao lưu với các bạn…”.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Kon Tum diễn ra với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, hoạt động văn hóa truyền thống gồm 6 nội dung: trình diễn trích đoạn Lễ hội nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống văn hóa của các địa phương; trưng bày giới thiệu ẩm thực truyền thống; liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày ảnh nghệ thuật sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng có 5 môn thi đấu, gồm: Đẩy gậy, kéo co, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố. Hoạt động du lịch giới thiệu đến người dân và du khách nhiều danh lam, thắng cảnh của tỉnh Kon Tum.
Viết bình luận