Gốm Bàu Trúc qua trăm năm vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống
Thứ năm, 00:00, 21/12/2017 Việt Phú BT CT + ảnh Việt Phú BT CT + ảnh
VOV4.VN - Điều đặc biệt đối với tất cả những sản phẩm đồ gốm mà các nghệ nhân tạo ra ở làng Bàu Trúc là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu chính là đất sét và cát, cũng chỉ làng này mới có. Nhiều người đã từng thử lấy đất sét ở các vùng khác để làm, nhưng đều không đạt yêu cầu.

 

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang 10km về hướng Nam.  Đến với làng gốm, du khách sẽ tận mắt được thấy cách làm gốm thủ công từ những nguyên liệu chỉ có ở vùng Bàu Trúc như cát và đất sét. Với đôi bàn tay điêu luyện, các nghệ nhân đã chế tác nên những sản phẩm gốm tinh xảo, nghệ thuật.

Ông Đàng Xem, một thợ gốm giỏi của làng, chia sẻ: nghề gốm của làng có từ thế kỷ 16-17. Ông thuộc đời thứ 5 duy trì nghề gốm. Gốm đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi người con Bàu Trúc.

Ông Đàng Xem bên các sản phẩm gốm của gia đình. Ảnh: VP

Theo ông Đàng Xem, ngày trước chỉ có phụ nữ làm là chính, bởi việc truyền nghề thường là từ mẹ cho con gái. Các bé gái 5-6 tuổi đã được truyền nghề, đến khi lấy chồng thì phải thuộc hết những kỹ thuật tạo hình. Do vậy, đến làng nghề gốm Bàu Trúc hôm nay, ít khi thấy những người đàn ông làm nghề. Ngay cả việc đứng bán hàng cũng chỉ là chị em hoặc các cháu nhỏ.

Gốm Bàu Trúc tuy làm thủ công nhưng những hoa văn, họa tiết đều rất tinh xảo và đẹp mắt. Từng chiếc bình gốm, bộ ấm chén, những con vật hay những bức phù điêu... đều láng mịn, tròn trịa, giống như chúng được tạo ra từ một bàn xoay tạo hình. Điều đó đủ nói lên kỹ thuật thủ công của những người thợ khéo léo như thế nào.

Khách du lịch đến làng gốm Bàu Trúc ngày một đông, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Theo ông  Đàng Xem, có những ngày, gia đình ông tiếp đón hàng trăm lượt khách tham quan và mua sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để gia đình ông cũng như bà con làng gốm có thêm thu nhập.

Với ông Đàng Xem, làm gốm hay làm bất cứ việc gì, trước hết, mình phải yêu nghề đó đã, bởi khi đã yêu, mình sẽ dành hết tâm huyết, dành hết tâm lực, trí lực cho nó. Chính vì thế, không phải người con nào của làng gốm Bàu Trúc cũng biết nghề và yêu nghề.

Để làm ra một sản phẩm gốm thì đất là thành phần chính. Đất sét không phải lấy về làm luôn được. Mỗi lần làm người ta đập nhỏ, phơi khô rồi hòa tan với nước, phơi từ sáng tới chiều, hôm trời nắng. Sau đó mới đổ vào ngâm khoảng 12 tiếng, vớt lên đập chung với cát. Ít cát thì dễ nổ, nhiều cát dễ nứt.

Những sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: VP

Công đoạn tiếp theo là tạo hình, tạo hoa văn. Công đoạn này đòi hỏi phải tỉ mỉ và tuân thủ thời gian. Sản phẩm sau khi hoàn thành được phơi 7 ngày rồi đưa vào lò. Củi và rơm là hai nguyên liệu chính để nung gốm. Việc chọn củi cũng được người thợ cẩn trọng. Thường lấy củi chắc, nếu củi thông là tốt nhất. Điều những người làm gốm lo nhất là khi đang nung có gió lốc hoặc mưa.

Sau khoảng 6 tiếng là sản phẩm gốm đã chín. Lúc này, người thợ gốm sẽ chọc một lỗ trong lò để xem sản phẩm. Nếu tất cả đều ngả màu đỏ gạch thì sản phẩm đã chín, còn màu xám hay đen thì vẫn chưa đạt yêu cầu, phải tiếp tục nung đến khi chín gốm.

Gốm khi chín, muốn tạo màu, thì người thợ gốm sẽ ủ trấu để ám khói vào gốm. Phần nào nóng nhất sẽ bám màu đen nhiều hơn. Sau đó, sản phẩm gốm sẽ được xịt một loại nước vỏ cây, thường là vỏ cây sắng hay cây nhông, chỉ có ở vùng đồng bào Chăm. Nung một lò gốm biết bao công đoạn là vậy, nhưng không phải không có sản phẩm lỗi - hỏng. Thường tỷ lệ hỏng là 30%.

Hiện nay, gốm Bàu Trúc không chỉ gói gọn trong những  sản phẩm truyền thống nữa, mà đã có nhiều sản phẩm mỹ nghệ.

 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC