Người Cơ tu giỏi “ăn” ong rừng
Thứ hai, 00:00, 21/08/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN - Sống nhờ rừng, người Cơ tu đã tích cóp cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu để tận dụng nguồn lợi từ rừng phục vụ cuộc sống. Một sản vật quý mà rừng ban tặng cho những cư dân của vùng đất Trường Sơn – Tây Nguyên là mật ong. Người Cơ tu rất giỏi trong chuyện bắt ong, săn mật.

Lần theo dấu vết của gấu tìm tổ ong 

Các già làng kinh nghiệm, năm nào cây rừng cho hoa trái nhiều, ít mưa, mùa đó rừng sẽ có nhiều tổ ong và mật ong đạt chất lượng nhất. Người Cơ tu ở Tây Giang, Quảng Nam, một năm thu mật ong khoảng 2–3 đợt. Chất lượng là mật thu vào dịp Tết, nhiều tổ gom lại mới chỉ được 1 ly nhỏ, nhưng chất lượng mật thì vào loại thượng hạng.

Còn đợt 2, đợt 3 thì thường tháng 5, tháng 6 âm lịch – mùa được gọi là mùa sản lượng bởi có tới hàng trăm lít mật ong được cánh đàn ông săn về.

“Cuối tháng 5 âm lịch, đầu tháng 6 thường họ hay thu. Mùa cuối cùng là giữa tháng 6 âm lịch. Đầu tiên là trước Tết. Thứ hai là trong lúc mình chuẩn bị gieo hạt. Thứ ba là dứa chín coi như là có mật rồi” - già C’lâu Nâm, thôn P’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, bảo vậy. 


Lấy mật ong - dễ mà khó. Ảnh: matongrungquangnam.com

Nơi nào có tổ ong, nơi ấy gấu ắt xuất hiện. Cho nên, ngày xưa chỉ cần thấy gấu quanh quẩn một chỗ là đàn ông Cơ tu chuẩn bị sẵn tâm thế lấy mật.

“Gấu nó thấy mật ong ở chỗ nào nó phá gớm lắm. Đó cũng chính là sức mạnh để nó ăn nó sống trong rừng. Gấu ở đâu mật ong ở đó. Mà xưa, chưa nhiều người săn bắt, Ồ, mật ong làm chưa kịp là gấu đã tới hết rồi"  – ông C’lâu Nghi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tây Giang, cho hay.

Ngoài gấu, sự xuất hiện của cáo và ong vò vẽ cũng là chỉ dẫn để người Cơ tu nhận biết nơi nào có mật ong. Để tránh gấu và thú rừng phá, ong rừng Tây Giang thường làm tổ rất cao, cách mặt đất khoảng 30m trở lên. Vì thế, những thợ săn ong thường phải làm thang bằng dây mây rừng rồi trèo lên hái. Những lá mây khô được bó sẵn thành cây đuốc nhỏ, tối đến họ châm lửa rồi leo lên thang dụi vào tổ. Lũ ong sặc khói dạt đi hết để trơ lại những mảng sáp. Việc còn lại là gỡ bỏ vào gùi. 


Đi lấy mật ong, kiêng ăn quả có mùi


Săn ong lấy mật vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sểnh chân là có thể mất mạng như chơi. Chính vì thế, người Cơ tu có những quy tắc khi săn mật: Người đi săn ong không dùng dầu, không ăn dứa, không ăn mít, không ăn cam. Ngửi thấy mùi, ong sẽ trở nên hung tợn tìm đến đốt.

Ngoài việc kiếm tìm tổ mới, người Cơ tu cũng tranh thủ làm những chiếc tổ nhân tạo để việc “ăn” ong vừa đạt chất lượng vừa đỡ tốn công. Những hốc cây to hoặc có sẵn trong tự nhiên, hoặc do người thợ săn khoét ở độ cao tầm một mét sẽ được sử dụng để nhử ong làm tổ. Và họ sẽ nhử như thế nào? 

Ông C’lâu Nghi nói: “Đục xong lại phải đốt lửa. Đốt lửa để nó bạt cái hơi của gỗ đi, hơi của gỗ bao giờ cũng hăng hăng, đời nào ong nó vào ở. Rồi lấy sáp bôi vào, hơ lửa. Nó thấm mùi vị. Có mật là nó tới, nó bò quanh bên ngoài. Mình nhử như thế, mình không bắt chúa”.

Già C’lâu Nâm còn bảo, lúc làm tổ cho ong tuyệt đối phải kiêng ớt. Đồng bào quan niệm ăn ớt là chọc giận ong. Chúng sẽ hung hăng xông vào đốt những đòn chí mạng.



Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC