Người Pa Kô trọng người biết làm nỏ
Thứ hai, 00:00, 24/07/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Là một loại vũ khí thô sơ, có thể xem nỏ là một báu vật của nhiều thế hệ đồng bào Pa Kô ở Quảng Trị.

Xa xưa, những chiếc nỏ thường được đồng bào Pa Kô coi là vũ khí diệt giặc ngoại xâm, là vật bất ly thân khi vào rừng săn bắn muông thú.

Theo những người chuyên làm nỏ, bộ phận quan trọng nhất là thân nỏ. Để tạo nên một thân nỏ chắc chắn, phải vào rừng chọn thân cây dẻ rừng lâu năm. Cây dẻ không nhiều, có khi lên rừng 2-3 ngày mới tìm được. Phải hơ nóng vào lửa rồi cạo, uốn. Nếu người không biết làm sẽ bị gãy, bắn không được chuẩn xác.

Còn cánh nỏ thì phải dùng thân cây trầm na đã phơi khô ít nhất 2 năm, mới đạt được độ chắc chắn, lại có độ dẻo. Những cây trầm na nào không được thẳng thì phải uốn cho thẳng, hai bên cung phải đều nhau. Nếu cánh cung bên to bên nhỏ thì nỏ bắn không chính xác.

Cánh nỏ sau khi vót sẽ được chà bằng một loại lá rừng để tạo độ bóng, sau đó hơ lên bếp để tạo độ cong và chống mối mọt. Sáp ong sẽ giúp nỏ được bóng đẹp hơn, và đặc biệt là chống mối mọt.

Cây nỏ của đồng bào vùng cao. Ảnh: baomoi.com

Dây nỏ cũng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của nỏ. Dây nỏ làm từ vỏ của cây gai phơi khô, kết lại.  Mũi tên được vót từ những cây tre lồ ô không già quá, cũng không non quá. Các mũi tên phải vót thật thẳng, khi đó đường bắn mới chính xác. Thường nếu săn bắn thú dữ, người Pa Kô lấy nhựa của một loại cây rừng tẩm vào mũi tên, rồi vót nhọn.

Người lười nhác không thể làm được một cây nỏ tốt. Bởi lẽ, phải bỏ công sức nhiều, phải tỉ mỉ từng công đoạn. Theo già làng Hồ Pưn, người thợ mộc bình thường chưa chắc đã làm được.

Với người Pa Kô bây giờ, bắn nỏ là một môn thể thao truyền thống, vừa giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc. Ở huyện Đakrong có cả một đội tuyển các xạ thủ nữ, thể hiện đẳng cấp bằng nhiều giải thưởng từ các hội thi bắn nỏ cấp tỉnh, cấp quốc gia. Theo chị Hồ Thị Hồng Nhung, con trai con gái bắn nỏ đều cần rèn luyện nhiều. Hàng ngày, chị cùng các bạn trong đội tập luyện đều đặn vào một giờ cố định, thường là giờ chiều vì nếu bắn vào lúc trưa nắng, nỏ sẽ dễ bị giòn, gãy.

Những chiếc nỏ, dù xa xưa hay thời hiện tại, vẫn luôn được đồng bào Pa Kô coi như một người bạn thân thiết. Khi buôn làng tổ chức ngày hội, lại có dịp khoe ra, chuyền tay nhau khen cây nỏ nào tốt, cây nỏ nào bền. Và người chế tạo nỏ lâu năm được cả cộng đồng kính trọng.

 

Người Pa Kô có vùng cư trú truyền thống là Trung Việt Nam và Nam Lào. Theo iếng Pa Kô, "Pa" là phía, "Kô" là núi, tức là người bên núi. Tại Việt Nam người Pa Kô chủ yếu sống ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông (tỉnh Quảng Trị), và A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tiếng nói của người Pa Kô thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC