Dân ca Nùng Dín được đưa vào trường học
Thứ năm, 00:00, 20/10/2016

(VOV) - Dân ca là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng Dín. Từ xa xưa, người Nùng đã coi dân ca là lời tâm sự, là phương tiện giao tiếp và thể hiện tình cảm với người khác giới.

 

Ông Nùng Chàn Phìn, ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - nghệ sĩ của những làn điệu dân ca, cho biết: Dân ca của người Nùng Dín được hình thành từ quá trình lao động sản xuất, từ cuộc sống hàng ngày. Đây là sản phẩm trí tuệ của tập thể, nhiều thế hệ nối tiếp nhau sáng tác và không ngừng hoàn thiện.

 

Dân ca Nùng Dín có 4 thể loại chính, gồm hát giao duyên, hát mâm cỗ, hát giao lưu và hát chính sự. Thể loại hát mâm cỗ hiện có 41 bài dân ca chính, hát giao duyên có 24 bài, hát giao lưu có 34 bài và hát chính sự có 5 bài.

 

Người Nùng Dín lưu giữ dân ca bằng cách truyền miệng. Ảnh: dantri.com

 

Mỗi thể loại đều có một số bài cố định và những bài khác được sáng tác thêm theo lối ứng khẩu để đối đáp. Dân tộc Nùng Dín không có chữ viết riêng nên dân ca được truyền miệng từ thế hệ trước cho thế hệ sau.Hiện, số người biết hát toàn bộ các bài dân ca Nùng Dín ở Lào Cai ngày càng ít. Có những thời điểm, các làn điệu dân ca Nùng Dín gần như bị lãng quên. Lớp trẻ ngày nay rất ít người học hát dân ca, bởi muốn học phải đam mê và kiên trì.

 

Chị Nùng Thị Pha, ở xã Nấm Lư, ương cho biết:  “Ở xã chúng tôi có một câu lạc bộ dân ca Nùng Dín, thì các ông, các bà, các cụ dạy chúng tôi hát từng từ một thì chúng tôi mới biết hát”.

 

Nấm Lư có trên 80% dân cư là người dân tộc Nùng. Xã thành lập 1 câu lạc bộ dân ca. Ông Thèn Chúng Hai bảo xã cũng tổ chức cho mỗi thôn một lớp dạy hát vào thứ bảy, chủ nhật để dạy bài hát cổ và hát giao duyên cho lớp trẻ.Một số trường học tại xã Nấm Lư đã đưa dân ca Nùng Dín vào dạy cho học sinh. Theo chính quyền địa phương, để lột tả hết cái hay, cái đẹp của dân ca Nùng Dín thì chỉ có cách dạy truyền khẩu.

 



Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC