Múa sư tử là hình thức biểu diễn tổng hợp, trong đó múa là chủ đạo nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc.
Người thể hiện được loại hình này bên cạnh có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo, còn cần có trí tưởng tượng về hình ảnh các con linh vật như hổ, mèo, sư tử... cũng như tính cách của chúng để nhập vai.
Màn múa sư tử đẹp mắt do các nghệ nhân người Nùng Phàn Sình thôn Sơn Hồng, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn trình diễn tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Một đội sư tử có thể rất đông nhưng không thể thiếu 5 vai chính: người cầm đầu, người đánh trống, người đánh thanh la, người cầm chũm chọe, các nhân vật phụ họa bằng các trò diễn và múa võ dân tộc truyền thống.
Ngoài giá trị tín ngưỡng, tục múa sư tử còn thể hiện tinh thần võ học, lòng dũng cảm của người Nùng Phàn Slình trong quá trình chinh phục tự nhiên.
Mùng 1 - 2 Tết, Người Nùng Phàn Slình sẽ múa trong từng nhà ở trong thôn. Đó gọi là múa chúc mừng năm mới. Điệu múa này sẽ được múa từ ngoài sân cho đến vào nhà. Và quan trọng nhất là múa ở trước bàn thờ tổ tiên nhằm xua đuổi tà ma, chúc cho gia đình đấy một năm mới thật nhiều thành công.
Sau đó là điệu múa ở miếu, mục đích chúc Tết thần thổ công, cầu mong một năm mới sẽ gặp được nhiều thuận lợi trong sản xuất và trong cuộc sống.
Tiếp theo là múa sư tử ở hội. Ví dụ, múa trong hội mùa xuân tại một thôn, bản, đội múa sư tử chủ nhà sẽ có trách nhiệm múa chào đón những đội sư tử bạn. Sau khi đã đón hết các đội sư tử láng giềng, các sư tử sẽ xếp thành một hàng thẳng múa điệu múa chào thần thánh bốn phương rồi đến miếu chào thần thổ công.
Múa sư tử mèo có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, múa chào, kính bái các miếu, các gian thờ. Múa trong ngày hội có thêm múa võ, múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi.
Sau màn nhảy múa của sư tử là những đường quyền rắn rỏi của các thanh niên Nùng Phàn Slình. Với những binh khí như đinh ba chạc, gậy, đoản đao, kiếm và dao nhọn, các chàng trai Nùng hiên ngang, mạnh mẽ với các thế võ đầy uy lực.
Múa sư tử mèo có rất nhiều bài biểu diễn khác nhau tương ứng với đó là một bài nhạc đi kèm. Người múa sư tử chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn các động tác múa phù hợp.
Điệu múa xuống tấn thể hiện sức mạnh của những chú sư tử mèo
Múa sư tử kết hợp trò diễn
Điệu múa với binh khí
Các động tác múa với binh khí đều rắn rỏi, dứt khoát
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận