Với người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai, tranh cắt giấy có vai trò vô cùng quan trọng. Theo quan niệm của người Nùng Dín, sau khi qua đời con người được chuyển sang sinh sống ở một thế giới khác, giống như thế giới thực tại. Bởi vậy, người chết phải chuẩn bị nơi ăn, chốn ở thật đủ đầy cho người quá cố khi về thế giới bên kia.
khi bắt đầu lên lão, tức 60 tuổi, ai cũng sắm cho mình một cỗ áo quan để yên tâm cõi lòng trước lúc giã biệt trần gian. Họ cho rằng, áo quan chính là ngôi nhà cổ của mình. Ở trần gian, ngôi nhà đã gắn bó với mình suốt cả cuộc đời nên xuống âm phủ phải có ngôi nhà bền đẹp làm nơi ăn, chốn ngủ. Vì thế, áo quan thường được làm bằng gỗ tốt như pơ mu, trầm hương, thông rừng…
Cùng với việc chuẩn bị áo quan, con cháu trong gia đình cũng phải sắm sửa, chuẩn bị nhiều vật dụng cho người chết khi về với tổ tiên. Ngoài quần áo, tư trang và một số vật dụng thông thường người chết từng sử dụng khi còn sống, khi bố hoặc mẹ qua đời, con cái phải làm cây tiền, nhà táng, con ngựa, bức trướng... Tất cả sẽ được cắt bằng giấy dán vào khung hình bằng tre biểu trưng.
Tranh cắt giấy được tạo ra bằng hai cách: cắt trực tiếp trên khổ giấy và cắt tranh theo các khuôn mẫu có sẵn. Tùy vào từng hình ảnh người ta có thể cắt từng tờ một hoặc một lần cắt nhiều tờ bằng cách gấp, xếp lên nhau. Chính vì thế, các nghệ nhân có dụng cụ cắt tranh riêng biệt.
Ngoài chiếc kéo, con dao, người thợ có một bộ đục gồm 36 chiếc tương ứng với từng loại hình hoa văn khác nhau như đục tròn, đục khuyết, đục răng cưa, hình tam giác… từ trí tưởng tượng của người nghệ nhân mà cỏ cây, hoa lá, chim muông, hổ, rồng, vạn vật thiên nhiên được hình thành từ nét cắt, chạm. Với những tạo hình khó, người thợ cả sẽ lấy than củi khắc họa trên giấy, để từ đó những người thợ phụ men theo nét vẽ mà chạm trổ.
Trước đây, ở những vùng người Nùng Dín, có rất nhiều nghệ nhân biết làm tranh cắt giấy. Ngày nay, đội ngũ nghệ nhân biết nghề không còn nhiều. Làm tranh cắt giấy thường là do “cha truyền con nối”. Khi một nghệ nhân có ý định truyền nghề làm tranh cho ai, họ sẽ dạy học trò từ lúc người đó còn nhỏ.
Trong tang ma của người Nùng Dín thì nhà Táng "rân slaw" tượng trưng cho một cơ ngơi khang trang, một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ ở thế giới bên kia. Đó là những gì người sống mong muốn làm cho người đã khuất. Thể hiện lòng biết ơn của con cái với ông (bà), cha (mẹ). Nhà Táng là một mô hình thu nhỏ của một nhà lầu khang trang được làm bằng cây vầu (máy pâu). Gồm có 3 tầng, mái được lợp bằng ngói máng 3 mặt của nhà Táng được trang trí bằng các hoa văn giấy được làm từ giấy xanh, đỏ, tím, vàng, đen. Khi làm xong nhà Táng dùng để trùm kín lên quan tài trong thời gian tổ chức tang ma và đem đốt khi đã chôn xong người chết.
Khi gia đình có người mất, người Nùng Dín sẽ mời nghệ nhân giỏi về làm nhà táng. Nhà Táng có hai loại: Đại Táng (nếu mổ trâu) và Tiểu táng (nếu mổ lợn).
Tuy cách làm giống nhau, nhưng cây tiền của Tiểu Táng sẽ nhỏ hơn, ngắn hơn cây tiền của Đại Táng.
Làm cột tiền "ẳn slaw" hay gọi là cây tiền cho người chết với mong muốn người chết có được sự giàu sang phú quý. Cột tiền có cấu tạo như một váy áo sặc sỡ màu sắc gồm có phần đầu gọi là nón "La chíuw". Phần ngực "ẳn bầu", phần bụng "toống". Cột tiền mổ trâu có 9 tầng.
Vì có nhiều tầng nên đường kính của cột tiền cũng không đều nhau. Phần nón trên cùng có đường khoảng 80 cm. Bầu 50 cm, thắt lưng 30 cm, cao khoảng 4, 5 cm. Xung quanh cột tiền "ẳn slaw" có treo các dây tua gọi là "bục làu".
Nghệ thuật tạo hình trên giấy của người Nùng Dín đạt đến trình độ cao
Nếu như con gái dâng tặng bố mẹ quá cố bằng bức trướng, tấm lòng của người con trai được thể hiện qua việc dâng tặng cây tiền, nhà táng
Sự phong phú, đa dạng của lễ vật cũng thể hiện điều kiện kinh tế của tang chủ
Sắc màu trên tranh tranh cắt giấy của người Nùng Dín
Ngoài lễ chính, người con gái, cháu gái nếu có điều kiện còn làm thêm ngựa giấy để biếu ông bà.
Họ quan niệm, khi còn sống, con người đã gắn bó với ngựa, khi chết đi cũng phải đem theo không những làm bạn đường, là phương tiện chuyên chở của cải của người chết sang bên kia thế giới.
Tháng 10/2013, Bộ VHTTDL đưa nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lâm Thanh/VOV4
(Thông tin, hình ảnh do Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cung cấp)
Viết bình luận