Chương trình “nâng bước em tới trường” đã hỗ trợ 36 học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 11 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển Sóc Trăng. Chương trình được tiến hành hàng tháng, với mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng.
Vào dịp đầu năm học, các em còn được hỗ trợ thêm tập, sách và trong các đợt vận động hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Các Đồn biên phòng của BĐBP Sóc Trăng cũng ưu tiên hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để phụ giúp gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho các em được tốt hơn.
Hộ bà Sơn Thị Hồng ở Phường 2, Thị xã Vĩnh Châu, rơi vào nghịch cảnh khi con rể và con gái bà sớm qua đời do bệnh hiểm nghèo, để lại cho bà 3 đứa cháu ngoại, đứa nhỏ nhất còn chưa đầy 2 tuổi.
Cháu ngoại lớn nhất của bà là Tiền Thị Tuyết Liên năm nay đã học xong lớp 9 và chuyển sang học nghề tại Trung tâm dạy nghề thị xã Vĩnh Châu, với mong muốn có nghề để sớm tìm việc làm để phụ giúp ngoại lo cho các em.
Cháu thứ 2 là Tiền Thanh Vũ năm nay lên lớp 7 và em gái bé Tiền Tuyết Hân đều bị lây nhiễm bệnh từ cha mẹ, hàng ngày phải uống thuốc.
Ngoài 2 suất học bổng, anh em đồn biên phòng Vĩnh Châu còn thường xuyên hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để phụ giúp bà Sơn Thị Hồng và động viên các em vượt qua khó khăn cố gắng học tập.
Học bổng hỗ trợ hàng tháng cũng phụ giúp phần nào gia đình các em học sinh, động viên, chia sẻ để các em có thêm nghị lực vươn lên trong học tập.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” là một biện pháp thiết thực, đậm nét nhân văn trong công tác vận động quần chúng, đó là nghĩa cử cao đẹp của người lính quân hàm xanh đang vun đắp thêm nghĩa tình quân dân nơi vùng xa khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng.
Bà Dương Thị Dễ, Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề vốn là hộ cận nghèo, tuổi lại cao, hàng ngày bà đi bán vé số để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi con bà ly hôn, bỏ nhà đi, để lại cho bà đứa cháu ngoại mới vào lớp 1, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chương trình mà cháu bà được tiếp tục đến trường.
Bà Dương Thị Dễ chia sẻ: Các chú bộ đội Biên phòng chăm lo cho cháu tôi từ năm lớp 1 lúc mẹ cháu bỏ đi. Nhờ các chú cháu tôi mới được học hành nên người như ngày hôm nay. Tết năm nào các chú cũng đến tặng quà.
Cán bộ chiến sỹ các Đồn biên phòng còn trích lương, phụ cấp hàng tháng để tạo quỹ học bổng và đóng góp vào mô hình “Hũ gạo tình thương”, quỹ tăng gia sản xuất ở đơn vị, vận động mạnh thường quân để có thêm những phần quà thiết yếu mang theo trong những chuyến công tác xuống địa bàn để thăm hỏi, động viên gia đình và các em.
BĐBP Sóc Trăng trao học bổng nâng bước em đến trường cho học sinh nghèo (hình chụp trước xảy ra dịch bệnh)
Tình cảm gắn bó quân dân được thể hiện bằng những việc làm rất thiết thực, chia sẻ khó khăn đến từng hoàn cảnh, chung sức với địa phương chăm lo cho người nghèo. Sự trợ giúp này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để các em tiếp tục học tập, rèn luyện, nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với quần chúng Nhân dân ở khu vực biên giới.
5 năm qua, Chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP Sóc Trăng đã đóng góp trên 1,2 tỷ đồng; trao tặng 40 xe đạp, vận động trên 60 triệu đồng hỗ trợ tập sách và dụng cụ học tập cho các em.
Không dừng lại ở đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trên địa bàn, các Đồn biên phòng đã kịp thời trợ cấp, cùng chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm để giúp gia đình các em vượt qua khó khăn để các em không bỏ lỡ chuyện học hành.
Riêng Hội Khuyến Học tỉnh Sóc Trăng hàng năm trao tặng 200 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi ở khu vực biên giới biển của tỉnh, mỗi suất học bổng trị giá 01 triệu đồng.
Bên cạnh đó, BĐBP Sóc Trăng còn đóng góp trên 74 triệu đồng hỗ trợ mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” giúp các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng biên giới được chăm sóc tốt hơn.
Trung tá Lê Văn Anh, Phó Chính ủy - BĐBP Sóc Trăng, cho biết: Chương trình nâng bước em đến trường và con nuôi đồn biên phòng đã thực hiện trong thời gian qua rất có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường, chắp cánh ước mơ trở thành người chủ tương lai của đất nước.
Đổi mới phương pháp, nội dung công tác vận động quần chúng trong BĐBP Sóc Trăng không chỉ là kế hoạch hay những khẩu hiệu đơn thuần mà được đa dạng hoá thành những mô hình, những việc làm cụ thể, có sức lan tỏa và khơi dậy phong trào xã hội hóa, cùng chung sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới biển.
Bộ đội biên phòng Sóc Trăng luôn xác định phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thực hiện mục tiêu “3 bám, 4 cùng”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn cuộc sống vì nền biên phòng toàn dân vững mạnh./.
Thạch Hồng/VOV ĐB Sông Cửu Long
Viết bình luận