Đắk Lắk: Vượt lên nỗi đau da cam
Thứ năm, 00:00, 09/08/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN- Chiến tranh qua đi hơn 40 năm, song hậu quả của chất độc da cam vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Vượt lên nỗi đau, những nạn nhân da cam vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1951, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông tham gia chiến đấu tại chiến dịch đường 9 Nam Lào vào năm 1970. Di chứng của chất độc dioxin khiến ông thường xuyên đau ốm.

2 trong số 5 người con của ông bị phơi nhiễm nặng, trong đó một người đã qua đời khi vừa mới sinh, một người mắc hội chức đầu to, mù, câm điếc và teo cơ toàn thân.

Cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, nên gia đình ông quyết tâm đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, lại mang nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần do di chứng chất độc gia cam, nhưng ông đã nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 3 người con học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.

Ông Nguyễn Lưu Đoàn tham gia chiến trường Tây Nam từ năm 1974. Vốn quê Hải Dương nhưng ông đưa vợ con vào lập nghiệp tại thôn 3 xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1993, vợ chồng ông sinh thêm người con thứ hai, nhưng khi vừa sinh ra, đứa trẻ đã có dấu hiệu không bình thường, đến năm 3 tuổi thì bị bại liệt hoàn toàn.

Thời gian đầu, vợ chồng ông ôm con đi khắp nơi chữa bệnh, nhưng khi nhận được kết quả bị phơi nhiễm chất độc da cam/ dioxin, hai vợ chồng ông chỉ biết nhìn nhau rồi ôm con khóc.

Không chịu đầu hàng số phận, vợ chồng ông quyết tâm gây dựng kinh tế. Ban đầu ông mua lại mảnh đất nhỏ để trồng điều, cà phê. Để nâng cao hiệu quả canh tác, ông đã đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi những kiến thức về chăm sóc cây trồng.

Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi, mô hình canh tác của ông thường cho năng suất và thu nhập cao hơn so với những mô hình khác ở địa phương.

Cứ thế ông tích lũy tiền mở mang thêm diện tích và mô hình kinh tế. Hiện nhà ông có  5 sào ao và 2 héc ta đất trồng 700 trụ tiêu, 1.000 cây cà phê xen 30 cây vải và điều. Hàng năm mang về lợi nhuận 500 triệu đồng.

(Ông Nguyễn Lưu Đoàn (người đội mũ cối) bên vườn tiêu xanh tốt- Ảnh: VOV)

Không chỉ chịu khó làm ăn, ổn định cuộc sống, mà ông Thiện và ông Đoàn còn là những hội viên hoạt động tích cực trong phong trào của Hội nạn nhân chất độc da cam xã Ea Đar.

Anh dũng trong chiến đấu, mạnh mẽ trong thời bình, dù di chứng chất độc da cam đã và đang giày xé nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhưng ý chí, tinh thần của những “người lính Cụ Hồ” năm xưa vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Họ luôn nỗ lưc vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, thực sự là những tấm gương sáng để nhiều người noi theo./.

 

 

Phóng viên/VOV Tây Nguyên

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC