Dân vùng lòng hồ - mối nguy rình rập
Thứ năm, 00:00, 12/11/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - . Hàng nghìn nhân khẩu vùng lòng hồ Krông Pách thượng đang mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Đáng lo ngại là công tác di dời dân lại theo kiểu nước đến chân mới nhảy.

 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, khu vực Thuỷ lợi Krông Pách Thượng, huyện M’đrăk, tỉnh Đắk Lắk có mưa rất to trong mầy ngày qua, khiến một vùng rộng lớn lòng hồ bị ngập sâu trong nước.

Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu  mắc kẹt  trong tình thế nguy cấp. Càng đáng lo hơn khi công tác di dời dân rất bị động theo kiểu nước đến chân mới nhảy, mặc dù những hiểm nguy ở vùng lòng hồ này đã được báo trước, khi công trình đã đắp đập, chặn dòng.

Chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự an nguy của dân là những gì đang diễn ra tại đây.

Trời đã tối sầm nhưng hàng chục người dân thôn 11, xã Cư San, huyện M’Đrăk vẫn túc trực ở bên bờ sông Krông Pách, theo dõi tình hình nước lũ dâng cao để tìm cách ứng phó.

Nhà dân vùng lòng hồ bị ngập - Ảnh: VOV

Nước lũ lên nhanh, mấp mé sàn nhà khiến vợ chồng anh Giàng Seo Thái,  một hộ dân trong thôn cho biết, rất lo lắng cho tính mạng của 2 đứa con nhỏ cùng những tài sản tích cóp trong nhiều năm.

Chính quyền có vận động gia đình anh di dời đến trường tiểu học nằm ở giữa thôn nhưng anh không đồng ý. Lý do là vì khu vực trường học cũng nằm ngay giữa vùng lòng hồ, không cao hơn nhà anh là bao và nếu nước ngập đến thì lại không có lối thoát, càng nguy hiểm hơn.

Nước lũ đổ về nhanh  - Ảnh: VOV

Anh Thái cùng nhiều người đề nghị đặt điểm di dời dân đến một khu vực đồi cao vì bên đó nếu có mưa to cũng không bị ngập, nhưng lại chưa được chấp nhận.

Có mặt để chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại vùng lòng hồ Krông Pách thượng, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cư San cho biết, lực lượng của xã với khoảng 30 người đã có mặt tại thôn 9, thôn 10 và 11.

Tuy nhiên, trong ngày 10/11 việc di dời dân rất chậm. Vấn đề là do không xác định được nước sẽ ngập đến đâu để chủ động di dời sớm mà chỉ có thể làm theo kiểu nước ngập đến nhà nào thì di dời nhà đó.

Một vùng mênh mông nước vùng lòng hồ - Ảnh: VOV

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của bão số 12, trong đêm ngày 9 đến ngày 10/11 tại vùng lòng hồ Krông Pách thượng có mưa rất to với lượng mưa đo được là gần 300mm.

Nước dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng vùng lòng hồ và huyện M’đrăk đã di dời 40 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.  Riêng trong 2 ngày 10 và 11/11, huyện phải di dời ít nhất 100 hộ ở ven sông suối, trong số hơn 600 hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ.

Hơn 600 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu vẫn còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng - Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’Đrăk cho biết, hiện giờ không thể nói chính xác hết được. Nhưng nếu theo phương án của dự án Krông Pách Thượng là toàn bộ số hộ dân nằm trong 3 thôn là hơn 600 hộ. Trước mắt, là trên 100 hộ có dự kiến phải di dời. Những hộ nằm ven sông suối là ưu tiên di dời trước.

Theo báo cáo của huyện M'Đrắk, khoảng 40 hộ dân đã được di dời tạm thời  - Ảnh: VOV

Như vậy, với những nội dung báo cáo được cho là đã có sự chủ động, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trước sự an nguy của người dân, số hộ dân được di dời tạm thời vì mưa lũ mới chỉ chiếm khoảng 6% số hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng.

Tuy nhiên, sự chủ động, nỗ lực cần được xem xét lại, khi chính quyền địa phương lựa chọn một địa điểm di dời, nhưng dân e ngại, không muốn đến vì họ cho rằng  địa điểm đó thiếu an toàn, vì vẫn ngay trong vùng lòng hồ, không biết nước sẽ dâng đến lúc nào.

Thuỷ lợi Krông Pách thượng có vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, triển khai suốt từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, đội vốn. Hơn 600 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu lẽ ra đã phải di dời thì nay vẫn mắc kẹt ở lòng hồ.

                                                        

Hàng nghìn người dân trong tình thế nguy cấp - Ảnh: VOV

Những mối nguy cơ đối với vùng lòng hồ đã liên tục được Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo từ đầu năm 2020 đến nay khi công trình đã đắp đập, chặn dòng, đặc biệt là từ trung tuần tháng 8 vừa qua, khi có đợt lũ đầu tiên ở vùng lòng hồ.

Dù liên tục bị nhắc nhở, phê bình nhưng việc giải phóng mặt bằng của tỉnh Đắk Lắk không mấy cải thiện. Tắc trách, chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự an nguy của dân là những gì đang diễn ra tại dự án nghìn tỷ này./.

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC