Thay đổi nhận thức để bảo vệ trẻ em gái ở Kon Tum
Thứ ba, 00:00, 15/09/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN – Đâu đó trong tỉnh Kon Tum vẫn bắt gặp những người có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, rồi tình trạng bạo hành, trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Để bảo vệ trẻ em gái, tại tỉnh Kon Tum đã có nhiều cách làm mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Trong câu chuyện hàng ngày với người dân trong làng, ông A Jar, một trí thức người dân tộc thiểu số Xơ đăng có vợ người Ba Nar, sinh sống ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum thường khéo léo nhắc đến nỗi vất vả của người phụ nữ trong gia đình.

Hàng chục năm tham gia công tác xã hội, là thành viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh  Kon Tum, rồi Hội thẩm Nhân dân… ông đã chứng kiến nhiều cảnh éo le mà phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại tình dục.

Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ tiếng là người nắm quyền chủ động trong gia đình dòng họ, nhưng thực tế, họ rất vất vả vì mọi việc lớn nhỏ đều đến tay.

Ông A Jar rất thấu hiểu nỗi vất vả của phụ nữ, ông cho biết “Nữ thì giúp được cha mẹ nhiều hơn. Tất cả mọi việc tất tần tật trong gia đình, từ nấu nướng, kiếm củi, đến việc đi lấy nước. Công việc nặng nên hơn niều so với nam giới. Nam giới còn có thời gian nghỉ nhưng mà nữ giới thì gần như là không. Ban đêm, gà gáy lần thứ nhất, thứ hai đã dậy giã lúa, giã gạo rồi sau đó đi múc nước trong khi nam giới có thể ngủ tới sáng.

Bởi vậy ông A Jar muốn góp sức mình vào việc thay đổi nhận thức của người dân biết san sẻ gánh nặng công việc với phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng.  

Tỉnh Kon Tum hiện có trên 184.000 trẻ em, trong đó trẻ em gái chiếm 49%. Để tạo sự bình đẳng trong cách nhìn nhận của người lớn đối với các bé gái, 102 xã phường, thị trấn 10 huyện, thành phố của tỉnh đã có nhiều cách làm hay. Cụ thể, như: 42 xã có cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 21 Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em…

Bé gái dân tộc thiểu số Ba Nar tự tin biểu diễn cồng chiêng - Ảnh: VOV

Từ những mô hình này, thông qua các buổi gặp mặt hay sinh hoạt chuyên đề, chị em phụ nữ và cả nam giới có dịp trao đổi về cách đối xử công bằng với con cái; cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục…

Hoạt động truyền thông được thực hiện liên lục với nhiều hình thức phong phú đã dần thay đổi nhận thức của những người còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Chị Ngô Thị Sâm, nhà ở Khối 9, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô có hai cô con gái , nhưng vợ chồng chị rất hạnh phúc, bởi quan niệm đã thay đổi.

Chị Sâm cho biết: “Gia đình mình không quan niệm là con trai hay con gái. Mình nghĩ hai con gái của mình khỏe mạnh, học hành giỏi giang như vậy mình cảm thấy hạnh phúc rồi. Cho nên từ khi sinh ra hai vợ chồng rất là hạnh phúc. Hai nữa bây giờ lớn lên các cháu ngoan, học giỏi, nên mình không cảm thấy buồn và ngay cả ông xã mình cũng vậy. Có chuyện gì cũng nhỏ to với bố.


Niềm vui bên Mẹ của một bé gái ở thành phố Kon Tum - Ảnh: VOV

Cùng với tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của gia đình, xã hội về trẻ em gái, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum cũng dành sự quan tâm và tích cực đấu tranh để bảo vệ các em, nhất là trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cho biết, để chăm sóc, bảo vệ các bé gái, chính quyền và từng gia đình đều có trách nhiệm. 5 năm qua tỉnh Kon Tum có 69 bé gái bị xâm hại, tất cả các vụ việc đều được xử lý đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em gái nói riêng ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm.

Hướng dẫn bé gái ở vùng sâu huyện Tu Mơ Rông biết tự bảo vệ mình - Ảnh: VOV

Tuy nhiên, để trẻ em gái của tỉnh được sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, quan trọng nhất vẫn là từ mỗi gia đình bởi vì gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của con người. Gia đình giáo dục, dạy dỗ các em biết lễ phép, kính trên, nhường dưới.

Cho các em đến trường học đó là một việc nhưng phải giáo dục bé biết tự bảo vệ bản thân mình. Dặn dò các em phải thận trong ngay cả với những người thân trong gia đình và bạn bè hoặc anh em.

Với những cách làm hiệu quả như vậy, tại Kon Tum, nhận thức của người dân về trẻ em gái đã có nhiều thay đổi tích cực so với trước đây. Đây là điều kiện thuận lợi để giải quyết triệt để nạn phân biệt đối xử với trẻ em gái; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính…

Một điều quan trọng là các bé gái được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, có môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./.

 

Khoa Điềm/VOV- Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC