Ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nằm cách biên giới Campuchia không xa, người dân ở đây sống thưa thớt trong rừng cao su, mỗi hộ cách nhau vài trăm mét, có khi cả cây số mới nhìn thấy một căn nhà.
Gia đình bà Trần Thị Chi, nằm sâu trong rừng cao su ở ấp Tà Thiết, nơi ít người qua lại. Đây là khu vực không điện, không sóng điện thoại, nên thông tin cũng ít.
Trước Tết Nguyên đán vừa qua, đi chợ, bà Chi nghe người ta nói đến thứ dịch bệnh gọi là “virus Corona”, nhưng cũng chẳng biết nó nguy hiểm như thế nào nên cũng xem nhẹ. Rồi gần đây khi bộ đội biên phòng đến tận nhà tuyên truyền, bảo đeo khẩu trang khi ra đường, chỗ đông người, hỏi thêm bà Chi mới biết, đây là đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu.
Lo lắng, bất an nhất là vừa qua, có nhiều người ở bên Campuhia tìm cách về Việt Nam để trốn dịch, nên bà và gia đình cũng phải đề phòng sợ lây nhiễm. Cách đây gần 1 tháng, Bộ đội biên phòng cũng lập một chốt ngay gần nhà bà, nên bà cũng yên tâm.
Bình Phước có hơn 260km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, trong đó 100km đường biên nằm trên địa bàn thuộc huyện miền núi Lộc Ninh.
Ông Điểu Ngon, người dân tộc STiêng ấp Tà Nốt, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - Ảnh:VOV
Để người dân tiếp cận được các thông tin về dịch bệnh, suốt gần 2 tháng qua, tại 16 xã và thị trấn huyện miền núi Lộc Ninh cứ đều đặn vào sáng sớm và chiều tối, tiếng loa phát thanh liên tục thông tin cho bà con về tình hình dịch, nhất là sau khi Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Ở những khu vực xa khu dân cư, loa phát thanh không tiếp cận được, Bộ đội biên phòng đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ đến tận nhà để phát khẩu trang, hướng dẫn trực tiếp cho bà con phương pháp và chấp hành các quy định phòng chống dịch.
Do đó, trong suốt thời gian thực hiện việc “giãn cách xã hội”, hạn chế tiếp xúc, đồng bào dân tộc không chỉ chấp hành tốt mà còn chung tay cùng lực lượng chức năng giám sát địa bàn, cảnh giác đối với những trường hợp vượt biên trái phép.
Được bộ đội họ tuyên truyền nên bà con nghe theo, chỉ đi ra rẫy rồi về trong nhà chứ không dám ra ngoài, ăn uống bên ngoài như trước.
Ông Điểu Xaren, Giáo khu trưởng Cộng đồng giáo khu Bù Tam, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước - Ảnh:VOV
Không chỉ vậy, đối với đồng bào có đạo ở khu vực biên giới, để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ đều tạm ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo.
Tại Giáo xứ Châu Ninh, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước có hơn 500 giáo dân đồng bào dân tộc. Ngay từ giữa tháng 3, giáo xứ đã ngưng tất cả các hoạt động tập trung đông người. Giáo dân tự cầu nguyện ở nhà để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19.
Đây là một quyết định khó khăn trong ngày cao điểm của Tuần Thánh và Lễ Phục sinh của đồng bào. Tuy nhiên, trong thời điểm này việc dừng tụ tập đông người là hành động chung tay cùng người dân cả nước phòng, chống dịch, không chỉ vì an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại.
Bà con giáo dân đồng bào dân tộc trên tuyến biên giới ngưng tất cả các hoạt động tụ tập đông người chung tay chống dịch Covid -19
- Ảnh:VOV
Cùng với việc triển khai hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, tăng cường chốt trạm ứng trực dọc tuyến biên giới phòng chống dịch theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, với quyết tâm cao của chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tỉnh Bình Phước đã ngăn chặn hiệu quả các trường hợp vượt biên trái phép từ bên kia biên giới; hạn chế tối đa các mối lây nhiễm từ cộng đồng. Đến thời điểm này, tất cả hoạt động tuần tra, kiểm soát dọc theo tuyến biên ở Bình Phước tiếp tục được thắt chặt để phòng chống hiệu quả dịch Covid -19./.
Vinh Quang- Việt Đức/VOV TPHCM
Viết bình luận