Y tế Kon Tum trước thách thức quá tải
Thứ năm, 00:00, 05/10/2017
VOV4.VN - Những năm gần đây, việc chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở Kon Tum đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là mạng lưới y tế từ tỉnh đến tuyến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ y bác sĩ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, sự phát triển lại khiến ngành đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

 

Được thành lập cách đây 9 năm tại thị trấn Plei Kần, huyện biên giới Ngọc Hồi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi đã áp dụng trên 3.400 kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản khoa, phụ khoa, đơn nguyên sơ sinh và cả những kỹ thuật vượt tuyến. Điều này đã giúp bệnh viện giành được lòng tin của dân 4 huyện: Đắc Glei, Ngọc Hồi, Đắc Tô và Tu Mơ Rông.

Đang nuôi con gái mổ ruột thừa tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Đắc Môn, huyện biên giới Đắc Glei, cho biết, chị rất yên tâm khi chính mình hoặc người nhà đến khám-điều trị tại đây: “Từ bác sĩ cho đến các cô y tá, điều dưỡng ai cũng nhiệt tình, niềm nở. Vệ sinh thì sạch sẽ, ngăn nắp. Đêm khuya cũng có bác sĩ đến thăm bệnh nhân, rồi sáng mình vừa dậy là bác sĩ đã đến thăm bệnh nhân rồi. Mình không phải đưa con xuống Kon Tum, có khi đưa xuống giữa đường có những nguy hại hoặc tốn kém”.

Bệnh nhân chờ khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi

Vui vì những kết quả tích cực đã đạt được trong chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho người dân, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi cũng đồng thời phải đối diện với tình trạng quá tải. Khoa Nội-Nhi từ thiết kế 60 giường phải kê thêm 50 giường. Khoa Ngoại sản từ 30 giường kê thêm 48 giường. Tính chung toàn bệnh viện, mức quá tải đã lên tới 225%; hầu hết các giường bệnh phải thu hẹp chiều rộng từ 90cm xuống còn 50cm để giảm sự chật chội.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thâm, Giám đốc Bệnh viện, cho biết, tình trạng quá tải kéo dài đã 5 năm, nay trở thành một thách thức thật sự với đơn vị: “Từ quá tải cơ sở hạ tầng kéo theo nhiều phiền muộn, gồm có công tác thu dung điều trị, chăm sóc người bệnh hàng ngày, chế độ ăn uống cho người bệnh, rồi vệ sinh... Sự cố gắng của chúng tôi cũng đến một mức nào đó thôi. Nếu kéo dài thế này thì sự hài lòng của người bệnh sẽ giảm sút”.

Quá tải, bệnh viện phải kê giường ra ngoài hành lang

Cùng với quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực cũng là vấn đề nhức nhối của các cơ sở y tế công lập ở tỉnh Kon Tum. Là bệnh viện hạng 2 với 27 khoa chuyên môn và 7 phòng chức năng, tình trạng thiếu nhân lực đang là thực trạng chung ở tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Được thành lập cách đây 4 năm, Khoa Ung bướu của Bệnh viện có chỉ tiêu 20 giường bệnh nhưng thực tế luôn có gần 30 bệnh nhân điều trị.

Bác sĩ Đinh Hữu Hòa, Phó trưởng Khoa Ung bướu, cho biết, ngược lại với sự tăng lên nhanh chóng về số lượng bệnh nhân, từ ngày thành lập đến nay bác sĩ của khoa vẫn chỉ vỏn vẹn có 3 người: “Với một đội ngũ nhân lực mỏng như vậy, bác sĩ cố gắng một người làm rất nhiều công việc.Một bác sĩ có thể phải làm Ngoại, có thể làm Nội. Đó là phần bác sĩ, phần điều dưỡng cũng khó khăn".

Trong khi số lượng người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum không ngừng tăng, như năm 2016 tăng hơn 36.400 lượt so với năm 2014; số điều trị nội trú tăng hơn 4.300 lượt; số trường hợp phẫu thuật tăng hơn 400 trường hợp, thì nhiều năm qua bệnh viện vẫn chưa được bổ sung biên chế.

Theo Bác sĩ Võ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện, phải cần thêm 215 người, nghĩa là phải tăng gần gấp rưỡi số biên chế hiện nay, đội ngũ ở Bệnh viện đa khoa Kon Tum mới đáp ứng được quy định tại Thông tư liên tịch số 08 năm 2007 của Bộ Nội vụ - Bộ Y tế. Việc nhân lực thiếu quá nhiều đang gây những khó khăn lớn cho công tác chuyên môn cũng như chất lượng phục vụ:

“Quá thiếu nhân lực kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện. Cụ thể như vấn đề bố trí ca trực, rồi sắp xếp thời gian nghỉ bù, sắp xếp thời gian nghỉ phép rất là khó khăn. Và sắp xếp con người để đi đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực chuyên môn cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đôi lúc nó làm căng thẳng tâm lý của nhân viên nên giao tiếp cũng chưa đúng mực”.

Ngành Y tế Kon Tum đang đứng trước một vòng luẩn quẩn: Khi nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh thì bệnh nhân sẽ đến rất đông, bệnh viện nhanh chóng quá tải. Và khi bệnh viện quả tải, chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân lại gặp nguy cơ đi xuống. Chỉ với sự cố gắng của riêng ngành y tế thì không đủ để tìm lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.

 

 

 

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC