Chiêng tre độc đáo riêng biệt của dân tộc Ê-đê
Thứ hai, 00:00, 16/10/2017
VOV4.VN - Ching kram (chiêng tre) là nhạc cụ truyền thống của người Ê-đê, được chế tác từ ống tre, ống nứa. Âm thanh từ dàn ching kram rền chắc, dồn dập, rộn ràng. Diễn tấu đơn giản, vật liệu dễ kiếm, ching kram có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Ê đê, vừa gần gũi thân thuộc hàng ngày, vừa sang trọng những dịp lễ hội.

 

Bộ ching kram được quy ước theo dãy số lẻ, thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc hợp lại, cũng có khi lên tới 19 chiếc. Mỗi chiếc ching kram có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng.  Khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng.

Theo nghệ nhân Aê Áp, ở xã Ea Tul, huyện Chư Mgar, tỉnh Đắc Lắc, chế tác được đầy đủ một bộ ching kram rất phức tạp, kỳ công. Nghệ nhân phải vào rừng chọn các cây tre già. Tre chặt về phơi khô khoảng 2 tháng. Độ dài của một ống tre dao động trong khoảng 29-45cm, đường kính từ 7-9cm.

Thanh niên tập tấu ching kram. Ảnh: baodaklak.vn

Theo nghệ nhân Aê Áp, làm ching kram là cả nghệ thuật, không phải ai cũng làm được: "Tre chặt đem chẻ từng khúc, rồi phơi khô. Phơi khô kỹ đều thì âm thanh mới chuẩn được. Các thanh phải gọt bề ngang thật đều nhau, độ ngắn dài thì tuỳ theo âm chính hay bè. Khi đã cắt, gọt xong thì gọi 2 người cùng gõ thử âm của từng thanh xem chuẩn chưa".

Mỗi ching kram có một âm thanh và giai điệu khác nhau nên nghệ nhân chế tác phải là người biết cảm âm, đôi tay thật khéo léo và phát hiện được sự pha âm, lệch âm. Khi bộ chinh kram đã hoàn thành, cần phải để khoảng 5 tháng cho âm thanh của tre thay đổi. Lúc đó, nghệ nhân điều chỉnh âm thanh ching kram bằng cách cắt ngắn ống hoặc gọt miệng ống tre.

Nghệ nhân Ami Hrơi, ở xã Ea Tul, huyện Chư Mgar, tự hào, ngày xưa, khi chưa có chiêng đồng, người Êđê đã biết chế tác ching kram. Đây là một sản phẩm âm nhạc độc đáo chỉ riêng dân tộc Ê-đê mới có: "Tôi thích âm thanh của ching kram. Ching kram nhỏ gọn. Âm thanh cũng vang. Chiêng đồng thì đắt, và đòi hỏi phải học đánh cũng công phu hơn nữa".

Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào hai đùi, đặt thanh tre già nằm ngang vuông góc phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi, một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi, gõ vào giữa thanh tre cho âm thanh cộng hưởng ống tre. Tiết tấu bài chiêng phụ thuộc vào nhịp gõ. Còn âm thanh luyến láy được điều chỉnh bằng cách nghiêng - ngửa bàn tay đỡ thanh tre.

Bộ ching kram cũng có đầy đủ các tiết tấu âm sắc giống như bộ chiêng đồng. Tuy vậy, ching kram gần gũi hơn với đời sống của bà con Ê-đê, bởi sự đơn giản trong diễn tấu và vật liệu dễ kiếm tìm.

Nghệ nhân Aê Zim, ở buôn Kniêt, xã Ea Ktur, huyện Chư Kuin, cho biết: "Chiêng đồng thì khi làm lễ cúng hoặc khi có đám tang thì mới được đem ra tấu. Còn ching kram thì thích chơi lúc nào thì chơi lúc đó, không cấm kỵ, mang tính giải trí như nhiều nhạc cụ goong, taktar… Ching kram cũng chơi được nhiều điệu như chiêng đồng, cũng chơi được các bài dân ca cổ Êđê, tuỳ theo sự hiểu biết biến tấu của mỗi người. Có điều chiêng đồng thì phải mua, còn chiêng tre thì tự làm được".

Với nhiều biến tấu và nhịp điệu vui tươi rộn ràng, tiếng ching kram không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc thư giãn giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, mà còn là một ngôn ngữ kết nối tâm hồn con người với thế giới tâm linh. Do vậy mà ching kram được sử dụng trong nhiều lễ hội của buôn làng, lễ cúng của các gia đình Ê-đê.

Độ bền của chinh kram không dài (chỉ khoảng 3 năm là âm sắc thay đổi không thể chỉnh sửa), trong khi cộng đồng còn rất ít người biết chế tác và truyền dạy diễn tấu ching kram. Chính vì vậy, ching kram của dân tộc Ê-đê đang mai một.

 

 

 

H’ZaWut/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC