Hội thảo về bảo tồn âm nhạc các dân tộc thiểu số​
Thứ tư, 00:00, 27/09/2017
VOV4.VN - Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và trên thế giới” và “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay”. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tham dự.

 

Các tham luận tại hội thảo như: “Bàn về quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc các dân tộc thiểu số Việt Nam qua một số trường hợp thực tiễn” của PGS, TS Kiều Trung Sơn; “Tản mạn về một số vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc của các tộc ít người ở Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Thụy Loan; “Góc tiếp cận âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam – Thực trạng và các vấn đề đặt ra đối với âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số hiện nay” của GS, TSKH Tô Ngọc Thanh… đã khẳng định sự đa dạng của âm nhạc cổ truyền dân tộc có đóng góp không nhỏ từ âm nhạc của các dân tộc thiểu số.

Âm nhạc của các dân tộc thiểu số bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.

Nhạc cụ truyền thống của người Chăm

PGS.TS Nguyễn Bình Định, Nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho biết: "Ở các dân tộc ít người, họ có những tư duy về vấn đề giai điệu, điệu thức, điệu quãng và nhạc cụ, cách thể hiện riêng. Điều đó đóng góp vào bản sắc chung của Việt Nam. Chính 53 dân tộc ít người đó đã tạo ra một vườn hoa nghệ thuật, có cái chung của Việt Nam, cái riêng của bản sắc từng dân tộc, nên tôi cho rằng chính 53 dân tộc thiểu số ấy là yếu tố quyết định sự phong phú đa dạng trong bản sắc của dân tộc Việt Nam. Họ quyết định sự tạo ra những sắc thái riêng của các dân tộc và Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".

Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm và phát huy âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số nhưng nhiều thể loại đang dần bị mai một hoặc biến tướng. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để định hướng, xác định một số quan niệm về âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số, phân tích thực trạng của từng thể loại; nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, từ đó, cùng tìm giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta.

 

 

Ngọc Ngà/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC