Mã la, nhạc cụ độc đáo của người Raglai
Thứ tư, 00:00, 10/01/2018
VOV4.VN - Mã la được coi là tài sản quý, là vật thiêng thay thế dân làng giao tiếp, kết nối các đấng siêu nhiên, mong cho dân làng làm nương làm rẫy được mùa bội thu.

 

Hiện nay, ở Ninh Thuận có 2 nơi làm lễ cúng đầu lúa với những nét đặc trưng riêng, là làng Gia Ró, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, và thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam.

Lễ ăn đầu lúa (hay ăn lúa mới) thường diễn ra vào khoảng cuối mùa vụ sản xuất nương rẫy theo chu kỳ 3 năm, 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm một lần, tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Trong nghi thức lễ, nhạc cụ mã la đóng vai trò chủ đạo, là vật thiêng.

Người Raglai coi mã la là cầu nối giữa con người với thần linh vì nếu muốn nói chuyện hoặc cầu xin thần linh ban cho ân huệ gì đều phải tấu mã la. Đồng thời, người ta cũng xem bộ mã la là một gia đình mẫu hệ. Theo cách gọi của đồng bào, chiếc trầm nhất có vai trò là mẹ, kế tiếp là con cả, con giữa, đến con út cuối cùng có âm thanh cao nhất.

Gia đình anh Bà Rá Thừa, thuộc tộc họ Chamalé, ở thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, chuẩn bị thu hoạch rẫy. Thu hoạch mùa rẫy năm nay cũng đúng vào chu kỳ 3 năm, tộc họ  anh làm nghi thức cúng đầu lúa. Thu hoạch được bao nhiêu nông sản, đều đem cất giữ trong kho. Gia đình không quên chuẩn bị một số lễ vật để cúng ông bà, tổ tiên, xin phép đem mã la xuống đánh mừng ngày vui.

Anh Bà Rá Thừa đang tập lại bài mã la cho lễ ăn đầu lúa

Đối với anh Bà Rá Thừa, mã la là nhạc cụ thiêng, mỗi chiếc được coi như một vị thần và chỉ có âm thanh của nó mới có thể thay lời nói của con người để giao tiếp với thần linh:“ Gia đình tôi thuộc tộc họ Chamalea, có 5 cái Mã la và 5 người đánh. Thông thường, phong tục đánh Mã la ở Phước Hà là 4 người thôi, nhưng vì ở nhà có 5 người nên có 5 cái. Cái thứ 5 là tượng trưng cho người cha, thường đi cuối cùng. Đứng đầu là mẹ rồi đến con trưởng, con giữa, con út”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên, trong các nghi lễ, lễ hội liên quan tới chu kỳ cây trồng của người Raglai, không thể thiếu vắng mã la. Lễ hội ăn mừng lúa mới là một ví dụ điển hình, bởi ở đó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Khi cúng, ngoài các lễ vật như cơm mới, bắp, heo, gà, rượu cần thì vật đầu tiên phải có là mã la. Thông thường, có 2 bài mã la được sử dụng chính trong lễ này là “ da –a Pô trun” (mời Ngài xuống), và bài thứ 2 “ Dam dara” tiết tấu vui hơn. 

Ông Tà Thía Banh cho biết, lễ ăn đầu lúa vừa mang tính chất cộng đồng gia tộc, vừa mang giá trị văn hóa riêng của người Raglai. Dịp này, họ đến thăm hỏi và cùng nhau uống rượu cần, đánh mã la và múa hát thâu đêm để quên đi lao động vất vả, những lo âu hằng ngày, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới và cùng bắt tay vào chu kỳ sản xuất mới.

Người Raglai tự hào có mã la trong kho tàng nhạc cụ truyền thống của họ.

 

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TP.HCM

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC