Những sinh viên kết nối niềm đam mê âm nhạc Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh
Thứ ba, 00:00, 28/11/2017
VOV4.VN - Dẫu không qua trường lớp về nhạc lý hay sáng tác âm nhạc, nhưng một nhóm sinh viên người Chăm đang học tập tại TPHCM đã học hỏi để sáng tác những ca khúc Chăm – Việt biểu diễn cùng guitar. Họ là những sinh viên của các trường Đại học Y dược TP HCM và Đại học Khoa học - xã hội và Nhân văn TP HCM.

 

Bài hát "Ông tôi" được 1 thành viên trong nhóm sinh viên dân tộc Chăm Trường Đại học y dược TP HCM sáng tác, thể hiện trong Show Guitar ca khúc Chăm tháng 11 đầu tiên tại quán cà phê Coffee The Wall, 520 Ngô Gia Tự, Phường 9, quận 5, TPHCM.

Đêm nhạc đã thu hút trên 100 sinh viên các trường đại học trong thành phố tham gia. Các bạn đã mang đến một bữa tiệc âm nhạc Guitar nhiều màu sắc, phong cách, thể hiện sự kết nối mạnh mẽ những trái tim yêu âm nhạc của các bạn trẻ. Điểm nhấn của buổi tiệc âm nhạc ấy là giới thiệu những ca khúc Chăm mới do các thành viên trong nhóm tự sáng tác.

Thành Minh Hiếu, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Y dược TPHCM, người khởi xướng show guitar ca khúc Chăm chia sẻ: “Bạn em mới sáng tác một số bài hát, nhưng các bạn chưa có dịp để phổ biến những ca khúc này. Vì thế, em có ý tưởng thành lập1 nhóm gồm các bạn sinh viên Chăm trong trường, đặc biệt là những bạn biết chơi Guitar để tổ chức 1 Show Guitar; một phần là để giới thiệu tác phẩm mới của bạn, thứ hai nữa là tạo một không gian giải trí cho các bạn sinh viên".

Show Guitar của nhóm sinh viên Chăm Trường Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang đến cho các bạn sinh viên buổi giao lưu âm nhạc mà còn để khích lệ tinh thần sáng tác ca khúc Chăm trong bộ phận sinh viên người Chăm.

Các bạn sinh viên người Chăm tham gia một đêm nhạc dành cho mình

Đồng Cao Nguyên, người Chăm, ở tỉnh Bình Thuận, sinh viên năm thứ 4 khoa Y đa khoa, Trường Đại học y dược TP HCM, chưa được học qua trường lớp về âm nhạc, nhưng đam mê chơi đàn Guitar, khi rảnh rỗi, Đồng Cao Nguyên sáng tác những ca khúc cho riêng mình.

Với Nguyên, việc học đàn, không chỉ là đam mê mà nó còn mang lại cho Nguyên nguồn cảm hứng lớn. 2 ca khúc nhạc Chăm nối tiếp nhau ra đời thể hiện tâm trạng, suy nghĩ về cách nhìn cuộc đời qua lăng kính của chàng trai này. Tác phẩm thứ nhất là “Ông tôi” nói về niềm nhớ nhung, yêu thương tha thiết đối với người ông bị khuyếm thị; tác phẩm thứ hai mang tên “Trở về” nói về người con xa quê đi học bác sỹ, khi thành đạt luôn muốn trở về miền quê để đem kiến thức, trí tuệ phục vụ  quê hương mình.

Không chỉ khuyến khích các bạn sinh viên trong trường sáng tác nhạc Chăm, nhóm còn khuyến khích các bạn sinh viên Chăm tại nhiều trường Đại học trong thành phố bằng niềm đam mê âm nhạc có thể sưu tầm những ca khúc nhạc trẻ Việt để dịch sang tiếng Chăm. Đó là cách củng cố vốn tiếng Chăm đang dần mai một trong một bộ phận sinh viên, học sinh cũng như thế hệ trẻ người Chăm hiện nay.

Nhóm đã dịch được 10 bài hát Việt, hát bằng 2 ngôn ngữ Chăm – Việt. Hầu hết các ca khúc này được các bạn sinh viên Chăm đón nhận. Lưu Hoàng Điệp, sinh viên khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Nhạc Chăm rất ít, chỉ có một số bài hát của nhạc sỹ A Mư Nhân. Em thấy có một số bài hát Việt rất hay, các bạn trẻ rất thích. Khi có lời Chăm rồi, thì các bạn sẽ hát theo lời Chăm đó, từ đó sẽ cảm thấy thích học, hát tiếng Chăm hơn và tiếng Chăm sẽ không bị mai một”.

 

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TP.HCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC