- Sáo khui đơn giản nhưng kén người làm
Cùng với trống Toong, khèn Bè, sáo Tirel, sáo khui (hay còn gọi là Kh-lui) được xếp vào nhóm các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Pa Kô. Sáo khui xuất phát từ tiếng Thái - Khlui, là một loại sáo dọc. Theo các già làng Pa Kô kể lại, có thể nó đã có từ thời kỳ Su-kho-thai (năm 1238-1583) cùng với nhiều nhạc cụ khác. Ở Thái Lan và Lào, sáo khui được làm bằng tre nứa, hoặc gỗ cứng và nhựa. Có ba loại Khlui phổ biến là khlui phiang aw, khlui phiang lib và khlui u. Tuy nhiên, khi tồn tại trong cộng đồng người Pa Kô, nó được biến tấu và chế tác giản dị hơn.
Để có được chiếc sáo đạt tiêu chuẩn, cần chú ý nhiều công đoạn. Người Pa Kô lên rừng, tìm những ống tre hoặc lồ ô dài khoảng 60 cm, thân không quá dày để âm thanh phát ra được hay. Khi tìm được cây nứa tốt, phải chờ ngày trăng sáng (khoảng 15-16 âm lịch) để chặt cây. Trước khi chặt, những người này phải hò một bài, vì theo quan niệm của người Pa Kô, bài hò lúc này như xin phép thần đất thần rừng, khi ống tre rời bỏ cây ấy, về làm thành sáo sẽ khiến cây sáo có thanh âm trong trẻo, réo rắt.
Cây sáo khui tồn tại và gắn bó bao đời nay trong tập quán sinh hoạt của người dân. Ảnh: baomoi.com
Khi chặt nứa về, người ta gọt và đem phơi trên bếp lửa từ 1-2 tháng. Nứa đã thật khô, họ dùng dùi sắt nung đỏ để khoét 4 lỗ chính trên thân sáo. Đây được coi là thao tác khó vì nó góp phần tạo nên âm thanh chuẩn. Nếu muốn tạo nhiều lỗ hơn thì cũng đòi hỏi trình độ của nghệ nhân cao hơn.
Theo già làng Hồ Pưn, ở thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), người làm quen thì tạo ra chục cây sáo cũng nhanh bằng người mới học làm được một cây: "Có khi chục cái mới được 1 cái, vì hắn không đều, khi mình thủng cái này không đúng thì không ra tiếng".
Sáo khui kén người làm, cũng kén cả người thổi. Thường thì chỉ đàn ông mới sử dụng, nhất là tầm trung niên, khi đã có độ trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Già làng Hồ Pưn lý giải: "Thường thì với người Pa Kô chúng tôi, đàn ông hay phải đi coi rẫy. Mùa lúa chín dài ngày lắm, trên rẫy hầu như vắng lặng, ít việc, buồn buồn họ lại tìm ống nứa khoét lỗ thổi cho vui. Sau thấy hay, thấy vang thì cứ thế dạy nhau làm sáo, lên rẫy lại mang theo đi, để thay lời trò chuyện, có phải lúc nào cũng gặp được nhau đâu".
- Mỗi tiếng sáo là một câu chuyện
Nếu như sáo Taril cất lên với làn điệu Oát, kể về lần đầu đôi trai gái hẹn hò tình tự; làn điệu Zau cùng sáo Amam để cho đôi trai gái mới yêu cùng thổi trong những đêm đi “sim”; làn điệu A-roi hát tiễn đưa người xấu số về “thế giới bên kia”, thì sáo Khui cùng với làn điệu Sa-nớt dùng cho người lớn tuổi đối thoại, chiêm nghiệm với chính mình. Với người lớn tuổi cô đơn, tiếng sáo khui nói thay được nỗi lòng của họ.
Theo già làng Hồ Pưn: "Những người giỏi thổi, dù nam hay nữ, nhất là nữ mất chồng mất con thì khi thổi cái ni sẽ khóc, vì buồn, nhớ lại chuyện cũ. Thổi cái này buồn buồn như khi con đại bàng trời nắng 3 giờ chiều hoặc buổi sáng hắn kêu, cái ni cũng buồn ngang rứa, họ khóc khi đi rẫy, người ngồi nghe cũng khóc luôn".
Thiêng liêng và hệ trọng nhất là tiếng sáo khui sử dụng trong đám tang hay trong các nghi lễ tâm linh, như lễ gọi hồn, lễ bốc mả, lễ giữ rẫy, lễ đâm trâu, lễ cầu mùa… Đặc biệt, sáo khui có mặt hầu hết trong 29 nội dung, 15 công đoạn của lễ hội Ariêu Ping - lễ hội truyền thống mang nét văn hoá tâm linh lớn nhất của người Pa Kô, nhằm bày tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất.
Già làng Hồ Pưn chia sẻ: Thổi sáo ni là buồn, thổi để động viên lại gia đình người mất, nhưng nghe quá buồn, càng động viên thì càng buồn.
Có lẽ ít loại nhạc cụ nào biểu đạt được cả nỗi buồn và niềm vui như sáo khui của người Pa Kô. Tùy từng hoàn cảnh, người nghệ nhân sẽ biết điều khiển cây sáo sao cho đúng tâm trạng, đúng nỗi niềm của người nghe. Ở các nghi lễ tâm linh, hay trong đêm khuya, tiếng sáo khui da diết, trầm lắng, nhưng khi có lễ hội của cộng đồng, hay trong đám cưới, người nghe lại thấy tinh thần phấn chấn, tràn đầy niềm vui.
Trong đám cưới, gia đình hai bên mượn tiếng sáo khui để dặn dò đôi trẻ yêu thương đùm bọc lẫn nhau, biết ăn ở, bảo ban nhau trong cuộc sống... Lúc này, không chỉ một- hai người mà cả tập thể nam- nữ cùng thổi sáo khui. Người thổi sáo khui chia làm hai nhóm; hai người đứng đầu của tốp diễn, mỗi khi người bên này thổi lên một giai điệu sáo thì những người ngồi xung quanh theo, sau đó lại đổi qua người bên kia thổi (tựa như hò đối đáp).
Suốt cả giai đoạn từ khi quen biết đến khi về một nhà, tiếng sáo khui còn là chứng nhân cho tình cảm đôi lứa. Nếu may mắn, đôi trai gái đó đến được với nhau, thì sau này trong cuộc sống, mỗi khi có chuyện giận hờn khó thông cảm, vợ chồng ngồi lại với nhau, cất tiếng hát Xa Nớt lên cùng điệu sáo khui, mọi mâu thuẫn lại như được giải tỏa.
Tương tự như vậy, tiếng sáo khui cũng hàn gắn mọi xích mích trong cộng đồng người Pa Kô. Trong các dịp lễ tết, như lễ A Ra Pựt quan trọng của người Pa Kô thì họ cũng sử dụng sáo khui, để nhắc nhở con cháu về truyền thống trọng lễ nghĩa, trọng tổ tiên của ông bà đời trước, khuyên răn con cháu phải biết gắn bó giữa các anh chị em, giữa con cái với cha mẹ. Tục này còn gọi là khơi cù za...
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận