Bánh trôi ngô ngày Tết của người Mông Hà Giang
Thứ sáu, 00:00, 23/02/2018
VOV4.VN - Sống nơi toàn núi đá, người Mông ở Hà Giang có truyền thống canh tác trên nương đá, trồng ngô và các loại hoa màu. Ngô là lương thực chính của bà con. Từ ngô, bà con chế biến thành hai món ăn chính là mèn mén và bánh trôi. Bánh trôi ngô là món thường được làm vào các dịp lễ tết.

 

Xuân về, người Mông ở Hà Giang rục rịch làm bánh trôi ngô. Không giống các dân tộc khác thường làm bánh chưng, bánh dày để thờ cúng trong ngày tết, người Mông ở Hà Giang coi bánh trôi ngô là món ăn không thể thiếu trong những ngày tết đến xuân về.

Bánh trôi ngô như một điềm báo về sự tốt lành, may mắn trong năm, trong tháng.

Ngô là nguyên liệu chính để làm nên những chiếc bánh trôi

Ông Vàng Chẩn Giáo cho biết: “Từ xa xưa, các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng... đã biết làm bánh chưng bánh dày để thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Người Mông thì làm bánh trôi ăn vào dịp năm mới với ý nghĩa như một điềm báo trong năm. Khi nấu, thả bánh trôi vào nồi nước sôi mà bánh không nổi lên báo hiệu một năm mới gia đình sẽ gặp điều không may mắn, làm mọi việc không suôn sẻ. Nếu thả bánh vào nồi nước mà bánh nổi hết lên trên mặt nước đó là điềm lành, gia đình gặp may mắn, làm gì cũng thuận lợi, con cái không ốm đau... Đó là ý nghĩa việc làm bánh trôi ăn trong dịp Tết của người Mông Hà Giang. Là người Mông, phải hiểu về ý nghĩa này, phải biết làm bánh trôi”.

Bánh trôi ngô được bà con bắt đầu chuẩn bị làm vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch. Để làm ra bánh trôi ngô vừa trắng thơm, vừa dẻo và không bị mốc, cần phải mất rất nhiều công đoạn và thời gian so với làm bánh trôi bằng gạo nếp.

Ngô nếp được chọn lựa, sàng sảy kỹ, sau đó mang đi xát cho vỡ hạt, ngâm nước khoảng một tháng để ngô mềm. Trong quá trình ngâm phải thay nước thường xuyên để ngô không bị chua. Khi đã đủ thời gian ngâm, ngô được xay thành bột, treo cao cho ráo nước khoảng 2-3 ngày mới mang ra làm bánh. Khi nấu bánh trôi ngô, phải đảm bảo lửa đều, nước phải sôi thật kỹ mới nặn bánh thả vào để bánh nổi trên mặt nước.

Bà Hầu Thị Chấu bảo: “Chúng tôi vất vả cả một năm trời với ruộng nương, đến Tết được làm bánh trôi ngô ăn. Làm bánh cần chọn ngô nếp ngon, đem đi xát và ngâm nước, một tuần phải thay nước hai lần ngô mới không bị chua. Đến ngày 27-28 tết mang đi xay thành bột và treo cho ráo nước. Ngày 30 tết bắt đầu nấu bánh ăn, đến mồng 3 mồng 4 cần đem bột ra sôi lại, bảo quản cẩn thận mới không bị mốc, không bị ngộ độc”.

Bánh trôi ngô thường được đồng bào Mông ở Hà Giang ăn kèm với đường phên. Sau khi nấu bánh xong, bánh được múc ra bát, gọt đường phên trộn vào bánh rồi ăn. Bánh dẻo thơm mùi ngô, hòa quyện với vị ngọt ngọt của đường phên.

Tết đến, trong các bản làng người Mông, nhà nhà đều có nồi bánh trôi ngô nóng hổi, thơm ngọt, những mong một năm mới sẽ gặp thật nhiều điều may mắn, đủ đầy và hạnh phúc.

Dân tộc Mông ở Hà Giang chiếm 31% dân số, với hai ngành Mông chính là Mông trắng và Mông hoa, tập trung sinh sống chủ yếu ở các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần....

 

 

 

Vàng Lan/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC