Say lòng- một ly cà phê Ê-đê
Thứ năm, 00:00, 02/05/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến. Một ly cà phê Ban Mê cũng được nhiều người thưởng thức, nhưng một ly cà phê Êđê, ở Đăk Lăk, lại là câu chuyện khác.

 

Người Kinh coi chén trà là đầu câu chuyện, thì ly cà phê của người Êđê cũng mang một ý nghĩa như vậy. Dù đời sống đã hiện đại hóa, nhưng đại đa số người ÊĐê vẫn giữ được nét riêng từ xưa, trong cách pha chế và thưởng thức cà phê.

Theo phong tục của người Êđê, phụ nữ luôn là chủ trong gia đình, từ không gian bếp cho đến phòng khách.  Với cà phê cũng vậy, phụ nữ mới là người quyết định thức uống cà phê của gia đình sẽ được chế biến như thế nào. Đa số phụ nữ Ê-đê đều biết rằng: chế biến cà phê gói gọn trong phương châm “3 chín” (là hái chín, rang chín và  hãm chín).

(Phụ nữ là người quyết định thức uống cà phê của gia đình được chế biến như thế nào - Ảnh: VOV)

Ở buôn Kla, gần như nhà nào cũng có vài sào cà phê trở lên. Bà con tự trồng, chăm sóc thu hoạch. Mọi thứ đều diễn ra bằng thủ công, và dùng sức người trong gia đình là chính. Bởi vậy, có được cà phê  hái chín không phải là điều khó khăn gì.

Khâu rang cà phê với người Ê-đê cũng là câu chuyện dài. Trước và mới Giải phóng, bà con lượm hạt cà phê chín rụng đã rã hết vỏ thịt, chỉ còn vỏ trấu, các Amí (mẹ), Aduôn (bà) đem rang trong chiếc mũ sắt của lính Việt Nam Cộng hòa. Sau khoảng nửa giờ thì đổ trên nền sàn bếp cho nguội, rồi mới xát vỏ, thành cà phê hạt rang. Hạt rang được cất kỹ, giã mịn từng mẻ đủ dùng trong một vài tuần để tránh mất hương thơm.

(Khâu rang cà phê với người Ê-đê cũng là câu chuyện dài - Ảnh: VOV)

Bây giờ, cà phê được xay bằng máy nên bà con đã có những hạt cà phê nhân sạch trấu. Những chiếc chảo nhôm cỡ lớn cũng giúp cho việc rang cà phê được dễ dàng hơn. Đầu buôn có cơ sở chuyên xay bột các loại, nhưng bà con ít thuê xay cà phê, bởi việc giã mịn cà phê trong những chiếc cối gỗ truyền thống giúp cà phê thấm nước tốt hơn, khi pha bằng phin cũng sẽ ít bị tắc.

Ở buôn Kla, mỗi buổi sớm, chuẩn bị lên rẫy, các gia đình lại tập trung uống cà phê. Một phần là thể hiện sự biết ơn của con cháu với các Amí, Aduôn đã tỉ mỉ lo việc ăn uống cho mọi người, một phần là để gắn kết các thành viên trong gia đình.

(Uống cà phê để gắn kết các thành viên trong gia đình - Ảnh: VOV)

Đăk Lăk nói chung, vùng Đray Sáp nói riêng là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nếu tới thăm một gia đình dân tộc Nùng, dân tộc Dao, khách hẳn sẽ được mời rượu. Đến thăm một gia đình người Kinh, hẳn sẽ được mời trà. Còn tới Buôn Kla của người Ê-đê ở Krông Ana, chắc chắn khách sẽ được mời cà phê.

Đó là thứ cà phê “3 chín”, được những người phụ nữ Ê-đê tần tảo giã trong những chiếc cối gỗ truyền thống. Đây là thứ cà phê chín kỹ, rang kỹ, giã kỹ, nên có màu đen đậm hơn, hương thơm, vị đắng hơn cà phê quán và đa số cà phê trên thị trường.

buôn Kla, uống cà phê Êđê trong nhà dài do các Amí, Aduôn pha trong chiếc phin bằng vải xô nhiều lớp, sẽ đem lại hương vị khó quên nhất. Tuy nhiên, nếu cà phê Êđê được xay nhuyễn bằng máy, pha bằng những chiếc phin thông dụng ngoài thị trường, uống tại bất cứ nơi đâu, cũng sẽ  thấy được điều đặc biệt.

Niê Pôt Henri- một chàng trai Ê đê ở buôn Kla, đã đăng kí thương hiệu “ÊĐê café” để đem dòng cà phê sạch, thu hái thủ công, "3 chín", nguyên chất, đậm nét buôn làng đến với người tiêu dùng.

Mới khởi sự kinh doanh, nhưng Niê Pôt Henri đã thấy rất phấn khởi, vì từ nay, cách làm cà phê riêng có của người dân buôn mình có thể được mọi người biết đến nhiều hơn./.



Niê Hra/CTV VOV 

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC