Để làm được món chấm này, người Thái chuẩn bị đỗ tương nếp đã phơi khô và sàng lọc sạch sẽ. Đỗ tương được ngâm nước cho nở lên, luộc nhừ, đãi sạch vỏ để cho nguội và ráo nước. Bà con dùng lá chuối xanh rửa sạch, phơi khô để gói đỗ tương đã luộc nhừ, để trên gác bếp từ 5 – 7 ngày để đỗ tương lên men.
Ông Cà Văn Hịch, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, cho biết: “Nguyên liệu để dùng làm món chấm này thì phải là đỗ tương nếp, bởi vì loại đỗ này bở, khi ủ lên men đều và khi giã mới nhuyễn. Còn nếu dùng đỗ tương tẻ thì làm sẽ không được ngon, giã sẽ không được nhuyễn như khi ta dùng đỗ tương nếp”.
Một bát chấm từ đỗ tương
Sau khi đã ủ đỗ tương từ 5 – 7 ngày, bà con mang ra giã, trộn cùng tỏi, ớt, sả, muối tinh. Để món chấm được thơm ngon thì phải giã cho thật nhuyễn. Giã xong, đổ một lượng rượu trắng vào trộn đều lên, cho vào hũ sành để nơi khô ráo, thoáng mát. Sau 5 – 7 ngày thì có thế mang ra ăn. Khi ăn cho thêm rau mùi hoặc lá tỏi thái nhỏ.
Món chấm này có thể để quanh năm trong hũ bịt kín. Còn một cách khác để giữ được lâu là sau khi giã đậu tương xong, bà con nặn thành từng bánh tròn, dẹt rồi mang phơi, bảo quản trên gác bếp. Khi có nhu cầu sử dụng, mang xuống hơ trên than hồng để bánh đậu tương vàng thơm, rồi giã nhuyễn cùng một chút nước đun sôi để nguội, nêm thêm ít rau mùi là sẽ được một bát chấm thơm ngon.
Đồng bào Thái không chỉ sử dụng món chấm này trong những bữa ăn thường ngày, mà còn làm để bán. Món chấm đỗ tương có thể dùng để chấm với nhiều loại thức ăn như xôi, thịt lợn, thịt gà,… đến các loại rau sống, rau luộc, măng luộc…
Cà Thành/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận