Bảo tàng Đắc Lắc làm sống lại nghề truyền thống thông qua hoạt động trải nghiệm
Thứ hai, 00:00, 11/09/2017
VOV4.VN - Bảo tàng Đắc Lắc mỗi năm thu hút hơn 300 ngàn lượt khách tham quan. Ngoài các hiện vật tĩnh, bảo tàng có cả những “hiện vật sống”, khi tổ chức nhiều hoạt động để các nghệ nhân dân tộc thiểu số trình diễn nghề thủ công, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc mình. Những hoạt động này tạo thêm sức hút cho bảo tàng đồng thời góp phần hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các tộc người ở Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

 

Dù đã bước qua tuổi 75, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nghệ nhân Y Mip Ayun, dân tộc Ê Đê, ở buôn Kô Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc vẫn rất nhanh nhẹn khi chế tác và biểu diễn các nhạc cụ tại Bảo tàng Đắc Lắc.

Tại đây, ông như được trở về với những ngày xưa khi còn là cậu thiếu niên thích nghe thổi sáo đánh chiêng và tò mò tìm hiểu chế tác nhạc cụ. Đôi bàn tay ông thoăn thoắt cắt gọt những ống tre, ống trúc để tạo nên cây sáo thổi lên những âm thanh réo rắt.

Đôi khi có những du khách tò mò muốn tự tay làm thử, dù không rành sõi tiếng, nhưng ông vẫn nhiệt tình chỉ cách làm, cách thổi. Ông bảo, được mọi người quan tâm như thế là quý lắm, vì ở buôn làng bây giờ không còn nhiều cơ hội để giới thiệu về những loại nhạc cụ như thế này nữa.

Nghệ nhân Y Mip Ayun chia sẻ: "Tôi cảm thấy nếu như vẫn còn người muốn biết thì đó là một niềm vui lớn, niềm hạnh phúc thật sự. Tôi nhớ những người bạn thuở xưa, nhưng bây giờ có người không còn nữa, tôi cảm thấy nhớ lắm, tôi mang cây sáo ra thổi, thổi tù và cũng thế, đing năm cũng thế, cả trong câu hát eirei cũng thế. Mình cứ vừa làm vừa nhớ vừa nghĩ rồi hình thành nên giai điệu, giống như là sáng tác bài hát vậy".

Vừa là một nghệ nhân dệt thổ cẩm, đồng thời là một nhân viên hướng dẫn của Bảo tàng Đắc Lắc, chị H'Djuih Êban, dân tộc Ê Đê, rất tự hào khi giới thiệu đến khách tham quan những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tại các buổi trình diễn nghề thủ công truyền thống, chị H'Djuih không chỉ trình diễn cách dệt vải mà còn trực tiếp giải đáp thắc mắc của du khách liên quan đến nghề như: nguyên liệu để sản xuất các tấm thổ cẩm hiện nay, cách phối màu hoa văn, thời gian dệt một tấm thổ cẩm để may váy áo mặc trong các dịp lễ hội, ý nghĩa của nghề dệt vải trong cuộc sống của người Êđê.

Thông qua những dịp trình diễn như thế, các nghệ nhân trở thành "cầu nối" giữa truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng của mình với công chúng. Đây hoạt động thiết thực và ý nghĩa và đã nhận được sự ủng hộ, phản hồi tích cực từ du khách tham quan Bảo tàng.

Ông Huỳnh Văn Thông, từ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tới, nhận xét: "Tôi thấy đây là nghề gắn với một quá trình lâu dài đối với người dân tộc thiểu số. Những sản phẩm này tôi thấy cần được quảng bá và có những nét đổi mới hơn để trở nên gần gũi hơn, hình ảnh về người dân tộc thiểu số ở Buôn Ma Thuột sẽ rõ nét hơn".

Để duy trì thường xuyên các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống Tây Nguyên trong điều kiện các nghệ nhân ở buôn làng mỗi năm lại ít đi, kinh phí còn hạn chế, Bảo tàng đã chủ động kêu gọi xã hội hóa rồi tìm kiếm nghệ nhân, xây dựng lịch trình mời nghệ nhân trình diễn theo tháng, quý.

Đặc biệt là các ngày lễ, Tết, Bảo tàng tăng cường các hoạt động tương tác nhằm tạo cho du khách có những cơ hội trải nghiệm thú vị những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Ngoài chức năng lưu giữ những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, nơi đây đang dần được người dân và du khách biết đến như một địa chỉ văn hóa đặc sắc.

Khách du lịch chăm chú theo dõi nghệ nhân biểu diễn

Nghệ nhân làm gốm tỉ mỉ tạo hình

Những sản phẩm gốm đã hoàn thiện


 

 

 

H'xíu/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC