Thế giới vượt 200 triệu ca mắc Covid-19 – WHO “ra sức” kêu gọi công bằng vaccine
Thứ năm, 11:25, 05/08/2021 HH bt bài TTT HH bt bài TTT
VOV4.VN - Thế giới vừa vượt mốc 200 triệu ca mắc Covid-19 và sẽ còn tiếp tục gia tăng. “Đại dịch chưa thể kết thúc” – Đó là tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cơ quan này quan ngại việc phân phối vaccine không công bằng giữa các nước, cũng là tuyên bố của Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khi nhiều người dân “nhất quyết” không đi tiêm chủng.

Theo hãng tin Reuters, thế giới đã mất hơn 1 năm để chạm mốc 100 triệu ca mắc, trong khi ghi nhận 100 triệu ca tiếp theo chỉ mất 6 tháng sau đó. Hiện dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại ít nhất 83 quốc gia, khiến hệ thống y tế tại những quốc gia này phải căng mình chống dịch. Đại dịch cũng đã cướp đi mạng sống của 4,4 triệu người. Đó là những con số đáng suy ngẫm về một đại dịch – vốn chưa thể kết thúc.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhiều lần khẳng định: “Đại dịch sẽ không thể kết thúc khi việc phân phối vaccine giữa các nước không đồng đều” và hôm qua ông một lần nữa quan ngại điều này.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 3/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

“Đến nay, hơn 4 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn cầu. Hơn 80% lượng vaccine đã đến các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao, mặc dù các nước này chiếm chưa tới một nửa dân số thế giới. Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của mình khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng ta không thể và chúng ta không nên chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vaccine của toàn cầu, thậm chí cho mũi tiêm tăng cường, trong khi vẫn còn những người dễ bị tổn thương nhất thế giới chưa được bảo vệ”.
WHO kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai việc tiêm liều tăng cường vaccine ngừa Covid-19, tức mũi tiêm thứ 3, cho những người đã tiêm đủ hai liều, ít nhất là đến cuối tháng 9 tới; để chia sẻ vaccine cho các nước khác, để ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia trên thế giới được tiêm chủng.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, từ đầu tháng 7, đã triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Israel tuần trước cũng làm điều tượng tự dành cho đối tượng là người trên 60 tuổi. Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đang tính toán, xem xét và có kế hoạch cụ thể để tiêm nhắc lại cho người dân.
Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng khá cao, tình hình dịch bệnh cũng chưa hết quan ngại. Đại dịch chưa kết thúc khi biến thể Delta vẫn đang hoành hành, làm đảo lộn các cuộc chiến chống dịch của nhiều quốc gia. Mỹ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Iran đang là những quốc gia có số ca mắc trong ngày cao nhất.

Một số bang tại Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang chứng kiến số lượng ca mắc nhập viện cao kỷ lục và một viễn cảnh “những ngày đen tối nhất” đã được các bệnh viện tại đó cảnh báo. Cố vấn y tế hàng đầu chính phủ Mỹ Anthony Fauci cũng khuyến cáo người dân đi tiêm chủng nếu không nước Mỹ có thể chứng kiến 200.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày vào mùa thu tới.
Tại Đông Nam Á, hôm qua, Indonesia xác lập cột mốc buồn khi có tới 100.000 ca tử vong vì Covid-19, trong đó có tới 1/3 số ca xảy ra trong tháng 7. Tại Malaysia, nước này hôm qua ghi nhận các mức kỷ lục buồn về cả số ca mắc mới và số ca tử vong, với gần 20.000 ca mắc trong 1 ngày.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54 cùng ngày, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực.

Trong 1 thông cáo, ASEAN kêu gọi tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với thuốc điều trị Covid-19, làm cho vaccine Covid-19 có sẵn với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người như hàng hóa công cộng toàn cầu, cũng như chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng khác trong tương lai.
Các đối tác đối thoại, đặc biệt là Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nga đã đồng ý tăng hỗ trợ cho ASEAN trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Đình Nam/VOV1

 


HH bt bài TTT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC