6 giải pháp giảm nghèo cho Tây Bắc
Thứ tư, 00:00, 31/08/2016 Phú CT Phú CT

(VOV4) - Theo kết quả điều tra, hiện tổng số hộ nghèo cả nước là hơn 2,3 triệu hộ, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Mà giảm nghèo cho đồng bào ở vùng này lại không dễ.



 

Cả nước có hơn 2,3 triệu hộ nghèo

 

Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2,3 triệu hộ nghèo. Trong đó, vùng Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, tập trung ở các tỉnh Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%) và Lai Châu (40,4%).

 

Theo ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nguyên nhân nghèo ở vùng Tây Bắc chủ yếu do hạn chế về trình độ sản xuất: "Đồng bào dân tộc thiểu số từ xưa đến nay đều sống ở những vùng hết sức khó khăn, địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, đất đai phục vục cho sản xuất rất ít, tư liệu sản xuất trong tay không có, trình độ sản xuất cũng ở mức  thấp, quy mô sản xuất nhỏ cho nên khả năng tiếp cận nguồn lực rất hạn chế. Từ năm 2005-2014, Chính phủ đã ban hành trên 70 văn bản chỉ đạo, định hướng, các văn bản quy phạm về chính sách giảm nghèo. Người dân vùng Tây Bắc được hưởng hầu hết các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung áp dụng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động, vay vốn tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái định cư.v.v… Song, cho tới  nay, các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước".

 

 

Tây Bắc vẫn đang là "lõi nghèo" của cả nước

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm nhận định:  “Công tác lãnh đạo triển khai một số nhiệm vụ theo nghị quyết của Chính phủ ở một số địa phương, cơ sở còn chậm. Việc kiểm tra đôn đốc thực hiện chưa quyết liệt, chưa có những giải pháp sáng tạo đột phá. Việc tổ chức thực hiện nghi quyết 30a của chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006-2010 nhưng kết quả còn hạn chế, do quỹ đất không còn. Nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất, nguồn lực đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Cơ sở hạ tầng còn yếu. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo chưa thường xuyên. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ. Công tác lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình dự án cùng những chính sách còn khó khăn chưa đạt được hiệu quả”.

 

Chính vì vậy, mới đây, Ban kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc. Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tình vùng Tây Bắc mang tính căn cơ đã được bàn thảo. Đây là cơ sở để đề xuất phương án trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành những chủ chương cụ thể giảm nghèo nhanh, bền vững cho 12 tỉnh vùng Tây bắc. 

 

6 giải pháp để giảm nghèo bền vững cho Tây Bắc

 

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, chiếm 1/3 diện tích cả nước, với trên 10 triệu dân; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước ta; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, việc xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng  đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

 

 

Người dân vùng cao đi chợ phiên

 

70 văn bản liên quan tới chính sách giảm nghèo được ban hành trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thực sự cần phải có sự đánh giá dựa trên những kết quả điều tra, phân tích một cách chi tiết, cụ thể. Chỉ tới khi đó, mới xem xét áp dụng chính sách và huy động các nguồn lực:

 

"Chính sách có rất nhiều rồi, xem có đến với người dân hay không và đến được bao nhiêu phần trăm. Không cấp cho không nữa, trừ đối tượng chính sách, những đối tượng yếu thế buộc phải cấp không, còn lại chủ yếu theo hướng hỗ trợ cho vay và đầu tư các công trình thiết yếu; giao cho địa phương các công trình cần thiết, khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng; tập trung đào tạo nghề, phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu lao động, tạo sự kết nối các tuyến đường có tính chất xương cá".

 

Theo ý kiến của ông Vũ Giang, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, không những chồng chéo về chính sách mà hiện nay việc phân bổ nguồn lực cũng chồng chéo. Mỗi nguồn vốn lại có một đơn vị chủ quản khác nhau, có thủ tục và thời gian phân bổ nguồn lực, một mục tiêu đặt ra khác nhau.

 

Ông Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng: "Đề án giảm nghèo không cần hình thức mà cần tính thực tiễn, không nên hô hào khẩu hiệu. Tôi nghĩ là nguồn lực bên ngoài là cơ bản, còn ngân sách chỉ là một phần thôi".


6 nhóm giải pháp cơ bản được nhắc tới tại Hội nghị bàn về giải pháp giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc là: Rà soát, thiết kế lại chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, cộng đồng, giảm cho không; Cần có sự khuyến khích đầu tư vào miền núi, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng; Nâng cao năng lực cho vùng; Tăng nguồn lực cho vùng; Nghiên cứu cơ chế đặc thù cho một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao và có thể xây dựng một đề án riêng.

 

Để phát triển bền vững vùng Tây Bắc thì không thể không quan tâm tới việc kết nối hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp phát triển du lịch; phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh kinh tế hợp tác.

 

 

Việt Phú/VOV4

 

 

Phú CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC