VOV4.VN - Mắc các căn bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, số lượng bệnh nhân dân tộc thiểu số phải chuyển về các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị ngày càng nhiều. Tấm thẻ bảo hiểm y tế chính là chiếc phao cứu sinh dành cho họ.
Anh Tráng A Giàng, dân tộc Mông, ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn, La bị ung thư thực quản. Anh đã mang theo tấm thẻ bảo hiểm y tế đi khắp các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Vì bệnh quá nặng, ở giai đoạn muộn, nên anh buộc phải chuyển về điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Do hoàn cảnh quá nghèo, anh về Hà Nội điều trị, vay mượn khắp nơi chỉ được 5 triệu đồng. Bởi vậy, anh và gia đình chỉ biết trông chờ vào bảo hiểm y tế.
Nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế, nhiều người dân được tiếp cận dịch vụ y tế. Ảnh: baomoi.com
Với những bệnh nặng và hoàn cảnh quá khó khăn như anh Giàng, nếu không có tấm thẻ bảo hiểm y tế thì không bao giờ có đủ tiền chữa bệnh. Tấm thẻ đã giúp anh và rất nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số, tìm lại sự sống cho mình.
Theo thống kê, trung bình một năm, bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân nghèo mắc ung thư lên tới 400 triệu đồng. Có những bệnh nhân, số tiền chi phí lên tới 1 tỷ đồng. Với những bệnh nhân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế.
Hiện nay, số người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân là người dân tộc thiểu số. Nếu không có tấm thẻ bảo hiểm y tế, có lẽ họ không bao giờ có đủ tiền để chữa trị, mà chỉ biết bất lực nằm chờ tử thần gọi tên.
Tại Trung tâm Hạt nhân Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có từ 500-700 bệnh nhân cả nội trú và ngoại trú đến khám và điều trị, số bệnh nhân dân tộc thiểu số là 0,2%. Dù đã có thẻ bảo hiểm y tế nhưng các bệnh nhân này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trung tâm Hạt nhân Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Chính sách xã hội và bảo hiểm y tế đã dành những điều kiện tốt đẹp nhất như bảo hiểm y tế toàn phần (100%) cho bà con. Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ chi trả tiền thuốc và điều trị, còn lại tiền ăn ở, đi lại, người bệnh và gia đình phải tự lo. Đây là thách thức rất lớn đối với họ. Vì với những căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, phải điều trị dài ngày, ăn ở đi lại vô cùng tốn kém. Bởi vậy, nên chăng cần có những nguồn lực khác, giúp người bệnh từ tuyến xã, lên tuyến huyện và tuyến tỉnh để họ có được một sự liên kết vận chuyển bệnh nhân.
Thu Hà/VOV4
Viết bình luận