Bảo tồn chữ Thái cổ bằng cách số hóa
Thứ ba, 00:00, 10/01/2017 Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh

(VOV4) – Bảo tồn chữ Thái cổ với phần mềm học chữ Thái đa phương tiện đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho những người yêu thích, đam mê học chữ Thái.


Học chữ Thái chỉ qua một thao tác click chuột


Phần mềm học chữ và tiếng Thái là kết quả đề tài “Nghiên cứu, xây dựng chương trình học chữ và tiếng Thái đa phương tiện” của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sơn La, do ông Cà Văn Chung, Phó giám đốc Sở chủ nhiệm. Từ năm 2009, phần mềm học chữ và tiếng Thái được ứng dụng thực tế.

 

Phần mềm học chữ và tiếng Thái được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. Trong đó, tập hợp khoảng 14.000 từ vựng chữ Thái cổ thành 70 bài giảng do ông Chung soạn thảo, thu âm lại, đưa vào máy tính, sau đó chuyển thành video. Việc phiên âm đã giúp người học biết được vốn từ, tiếng nói trong ngôn ngữ cổ của dân tộc Thái.

 


Phần mềm học chữ Thái được ông Chung đưa lên trang cá nhân. Ảnh chụp từ facebook của ông Chung

 

“Học trên đó bằng cách vừa xem lại vừa nghe người ta hướng dẫn đọc, cách phát âm. Cần từ nào đó thì chỉ cần cho chạy đến chữ đấy, hoặc gõ chữ đó ra. Thứ hai là có thể gõ trực tiếp bằng bàn phím, sau đó, ấn vào nút đọc, nó sẽ đọc. Hoặc có thể copy từ văn bản, ví dụ tác phẩm “Xống chụ xon xao” chẳng hạn, chúng ta có thể copy cho nó đọc” - ông Chung nói.


Trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu, xây dựng chương trình học chữ và tiếng Thái đa phương tiện, ở nước ta chưa có tài liệu nào về tiếng Thái có dấu thanh và chưa phù hợp với chương trình học trên máy vi tính. Phần mềm học chữ Thái do ông Chung xây dựng dựa vào bộ tài liệu của nhóm Hoàng Trọng Đinh để chỉnh sửa, bổ sung thêm dấu thanh. Bộ tài liệu gồm 2 tập với 70 bài. 

 

Với 30 bài giảng trong tập 1, người học sẽ được tiếp cận phụ âm và nguyên âm; cách kết hợp của phụ âm, nguyên âm; cách kết hợp vần điệu của tiếng Thái, chữ Thái Việt Nam và tiếng Thái ở tỉnh Sơn La. Tập 2 có 40 bài, gồm các bài văn xuôi, trích dịch những mảng thơ ca dân gian, giúp người học hiểu cách nói của tiếng Thái. Với phần mềm này người học cần một chiếc đầu đĩa hoặc máy vi tính cài Win XP, Win 7 là có thể tự học tiếng Thái.


Không bó hẹp trong các video, bằng việc đưa lên mạng thông qua trang facebook cá nhân, từng bài giảng tiếng Thái cổ giúp người học có thể tiếp cận dễ dàng trong bất cứ thời gian nào, ở bất cứ nơi đâu. Với ông Chung, đó là niềm tự hào, cũng là tâm huyết mà cả đời ông theo đuổi.



Số hóa sách chữ Thái cổ

 

Bên cạnh phần mềm học chữ Thái cổ đa phương tiện, bảo tồn bằng cách số hóa cũng là cách lưu giữ hiệu quả chữ Thái cổ.

 

Theo ông Nguyễn Tân Phong, PGĐ Sở VH-TT&DL tỉnh Sơn La, để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của sách chữ Thái cổ, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản sách văn hóa chữ Thái cổ tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2012 - 2015”. Kết quả, Sở đã bảo quản, dịch thuật được gần 2.000 cuốn; rà soát, kiểm kê, phân loại, đánh giá chất lượng sách; nắm chắc, đúng về số lượng bản gốc, dị bản; phân loại nội dung thông tin trong sách theo thể loại. 


“Năm 2016, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy chữ Thái cổ giai đoạn 2017 – 2020 để tiếp tục số hóa số sách còn lại tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, nâng cấp phần mềm quản lý, trang bị thêm phần mềm để bảo vệ và khai thác, phát huy tốt giá trị của những cuốn sách chữ Thái cổ đó. Chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa chữ Thái cổ để trình Bộ VH-TT&DL, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và Bộ cũng đã có quyết định đưa chữ Thái cổ của người Thái ở Sơn La vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" - ông Phong cho biết. 

 

Công tác sưu tầm sách chữ Thái cổ được Bảo tàng tỉnh Sơn La triển khai hơn 10 năm nay. Cán bộ của Bảo tàng tìm đến những thầy  mo, người cao tuổi để tìm sách và thuyết phục người dân trao lại cho Bảo tàng. Nhưng do nhiều người muốn lưu giữ kỷ vật của tổ tiên, đặc biệt, nhiều người nước ngoài cũng lùng mua sách với giá trị cao, nên không phải người dân nào cũng muốn trao lại sách cho bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được gần 1.200 cuốn đưa về lưu giữ tại kho. 



 

 

Lan Vàng/VOV4


Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC