Khẳng định vị trí quan trọng của rừng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu dự hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Tổng kết 4 năm thực hiện “Dự án Tổng Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”, cho rằng, muốn bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phấn đấu tăng độ che phủ của rừng lên 42% vào năm 2020 cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong bảo vệ phát triển rừng. Không chỉ bảo vệ mà còn phát triển rừng bền vững, gắn với nâng cao thu nhập của người dân sinh sống nghề rừng. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi, ban hành và thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp như: dịch vụ môi trường rừng…
Hội nghị vừa được tổ chức tại Hà Nội
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh, trên cơ sở phân loại các loại rừng, cần cơ cấu lại diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất. Bên cạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học, cần phát huy thế mạnh những lâm sản bản địa cũng như khai thác lâm sản ngoài rừng như trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Đồng quan điểm này, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề xuất: "Ngoài phương thức trồng rừng thay thế tập trung như hiện nay, cho phép tỉnh Lâm Đồng cũng như các địa phương ở khu vực Tây Nguyên bổ sung phương thức trồng rừng thay thế theo hình thức nông-lâm kết hợp để khôi phục lại diện tích đất rừng, làm giàu rừng và cải thiện đa dạng sinh học. Không chuyển diện tích đất nông nghiệp, vẫn đảm bảo diện tích đất lâm nghiệp".
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành lâm nghiệp phải gắn quy hoạch rừng với tái cấu trúc ngành nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành. Xác định sản phẩm lâm nghiệp chủ lực của cả nước, địa phương để tập trung bảo vệ, phát triển và đầu tư. Gắn tái cấu trúc với việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa với bố trí lại dân cư, từ đó nâng cao đời sống người dân. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu bằng hình thức liên kết, liên doanh giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến, đảm bảo diện tích đất rừng, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi.…
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 hướng đến tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8 tỷ đến 8,5 tỷ đô la. Duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng…
Tổng kết 4 năm thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, đã có 60 tỉnh, thành phố kiểm kê hơn 7,1 triệu lô rừng, hoàn thành diện tích rừng, đất lâm nghiệp toàn quốc..
Tính đến tháng 12 năm 2016, cả nước có hơn 14 triệu 377 nghìn ha rừng, độ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,19%.
Minh Long/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận